BVR&MT – Theo báo cáo mới của tổ chức WildAid, chính sách tiết kiệm của chính phủ Trung Quốc và các chiến dịch nâng cao nhận thức của giới bảo tồn đã khiến súp vi cá mập – một món ăn phổ biến tại các đám cưới và tiệc chiêu đãi ngày càng ít được đưa vào thực đơn.
Việc buôn bán vây cá mập – biểu tượng của sự giàu có ở Trung Quốc và các nước khác ở châu Á khiến một số quần thể cá mập suy giảm tới 98% trong 15 năm qua. Ước tính 100 triệu cá thể cá mập bị giết mỗi năm và có tới 73 triệu cá thể bị lấy vây.
Trung Quốc trở thành thị trường vây cá mập lớn nhất thế giới do người dân giàu lên nhanh chóng và luôn khao khát xa xỉ phẩm. Tuy nhiên, doanh số bán vây cá mập đã giảm từ 50-70%, thậm chí doanh số vây cá mập ở Quảng Châu – nơi được coi là thủ phủ vây cá mập ở Trung Quốc đã giảm 82%.
Theo báo cáo của WildAid, thương nhân bán sỉ vây cá mập ở Quảng Châu phàn nàn rằng doanh số và giá đều giảm. Một nhà bán buôn được trích dẫn trong báo cáo cho biết “vây cá mập là một ngành kinh doanh đang tàn lụi”, một số người bán khác thì khẳng định vây cá mập cỡ trung bình chỉ được bán với giá bằng một nửa trước kia.
Nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc được cho là một trong những yếu tố chính khiến doanh số sụt giảm. Được coi là đặc sản sang trọng, vây cá mập thường được đưa vào thực đơn trong các sự kiện chính thức. Nhưng với chiến dịch thắt lưng buộc bụng của chính phủ, món này bị cấm phục vụ tại các sự kiện của nhà nước từ năm 2012.
Giám đốc điều hành WildAid Peter Knights phân tích lệnh cấm của chính phủ đóng vai trò quan trọng nhưng kết quả đạt được “không nhờ vào phép màu nào cả mà là sự kết hợp nhiều yếu tố”. Việc thay đổi trong thái độ của công chúng đối với việc tiêu thụ vây cá mập ở Trung Quốc, đặc biệt là trong thế hệ trẻ cũng có tác động lớn. 85% người tiêu dùng Trung Quốc được khảo sát trực tuyến cho biết họ đã từ bỏ món súp vi cá mập trong vòng 3 năm qua. Công đầu thuộc về chiến dịch nâng cao nhận thức về tác động của buôn bán vây cá mập do cựu ngôi sao bóng rổ Diêu Minh lĩnh xướng.
“Càng nhiều người tìm hiểu về hệ lụy của việc ăn súp vi cá mập, họ càng ít muốn tham gia vào mua bán”, Knights nói.
Áp lực từ giới bảo tồn cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp lớn. Một số chuỗi khách sạn lớn đã ngừng phục vụ súp vi cá mập và hơn 20 hãng hàng không cũng đồng ý không vận chuyển mặt hàng này.
Năm ngoái, có thông tin rằng chủ sở hữu các nhà máy chế biến cá mập ở thị trấn ven biển Bồ Kỳ thuộc tỉnh Chiết Giang đổ lỗi cho các chiến dịch nâng cao nhận thức đã làm giảm hoạt động kinh doanh của họ. Nhóm bảo tồn WildLife có trụ sở tại Hồng Kông trước đây đã cáo buộc một nhà máy ở Bồ Kỳ mỗi năm chế biến hàng trăm cá thể cá mập nguy cấp.
Theo IUCN, 1/4 cá mập trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó thị trường vây cá là tác nhân chính. Knights cho rằng việc giảm doanh số vây cá mập sẽ góp phần giải quyết được tình hình.
“Hy vọng cá mập sẽ tuyệt chủng về mặt thương mại chứ không thực sự tuyệt chủng. Việc này chắc chắn sẽ giảm nhiều áp lực lên loài này”.
Nhật Anh (Theo Guardian)