BVR&MT – Ngày 7/6, tại thành phố Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo quốc tế về “Tiếp cận kinh tế tuần hoàn xử lý bùn thải và rác thải cây xanh”.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn cho các nhà quản lý, các chuyên gia, các tổ chức xã hội và các bên liên quan chia sẻ những mô hình, bài học, những kinh nghiệm trong, ngoài nước và đề xuất các giải pháp xử lý bùn thải và rác thải cây xanh phát sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Đến tham dự hội thảo có ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng, PGS.TS Trần Văn Quang, Phó Chủ tịch Hội Bảo Vệ Thiên Nhiên và Môi trường TP. Đà Nẵng, đại diện các Sở Ban Ngành, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị trực thuộc UBND các quận, phòng NN&PTNT, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, các trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học và tác giả có bài tham luận.
Báo cáo tại hội thảo cho biết: Theo điều 142, Luật Bảo vệ môi trường 2020 nêu rõ Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động môi trường.
Hiện nay trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, khối lượng bùn thải thu gom được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, chưa tận dụng được nguồn tài nguyên từ chất thải. Với khối lượng bùn thải phát sinh có hàm lượng chất hữu cơ cao có tiềm năng tái xử dụng làm phân bón, tái sử dụng làm khí đốt, sản xuất làm chất đốt thay thế nguyên liệu than tổ ong hoặc tận dụng làm nhiên, nguyên liệu sản xuất xi măng.
Theo đánh giá nguồn tiềm năng tái sử dụng lượng bùn thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là rất lớn, cần có các giải pháp tận dụng nguồn tài nguyên từ chất thải, giải thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm áp lực đối với công tác chôn lấp. Tuy nhiên, phải nghiên cứu phân tích chất lượng từng loại bùn thải nhằm lựa chọn công nghệ xử lý tái chế phù hợp, hiệu quả.
Tại hội thảo Tiếp cận kinh tế tuần hoàn xử lý bùn thải và rác thải cây xanh, ngoài sự tham gia của các tác giả, nhà khoa học, Nghiên cứu sinh trong nước còn có các bài tham luận của các nhà khoa học quốc tế như: TS.Gogina Elena, Trưởng nhóm Nghiên cứu Viện nghiên cứu vật lý xây dựng – Viện hàn lâm kiến trúc và khoa học xây dựng Liên bang Nga với bài tham luận Các giải pháp xử lý bùn thải tại liên bang Nga, Công nghệ giảm sinh khối và hiệu quả của MISHIMAX – Nghiên cứu điển hình ở Nhật Bản của hai chuyên gia người Nhật Bản là Makoto Tokuoka & Yuji Tanaka.
Hồng Sơn