BVR&MT – Tại diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2 mới diễn ra ngày 31/7, du lịch là một trong 4 nội dung được trao đổi thảo luận giữa các doanh nghiệp và Chính phủ.
Luật Du lịch (sửa đổi) đã được đa số đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua trong kỳ họp Quốc hội cuối tháng 6 vừa qua. Nhiều người ví von, cái bấm nút này trị giá lên tới 35 tỷ USD, bởi bộ luật sửa đổi này được cho là nhằm hiện thực hoá Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch đến năm 2035.
Theo Nghị quyết này, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Ngành công nghiệp không khói được đặt muc tiêu đến 2020, Việt Nam sẽ thu hút được 17 – 20 triệu khách quốc tế, 82 triệu khách nội địa, đóng góp 10% GDP, tổng doanh thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD.
Chính vì thế, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2 mới diễn ra ngày 31/7, du lịch là một trong 4 nội dung được trao đổi thảo luận giữa các doanh nghiệp và Chính phủ. Du lịch Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan. Đặc biệt là đường bờ biển dài không những phát triển du lịch còn là nền tảng phát triển cho kinh tế biển.
Tuy nhiên hiện có nhiều vùng biển, đảo chưa được khai thác xứng đáng với tiềm năng vốn có do chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng.
“Dân ở đây vất vả quanh năm nhưng vẫn nghèo lắm, họ mong có ai đó tìm về đầu tư, mở mang hạ tầng, để cuộc sống có cơ hội khá hơn. Đó là điều mà vị Chủ tịch xã đảo Cù Lao Xanh – người đã có gần 20 năm hết làm Bí thư lại làm Chủ tịch ở nơi heo hút này nhắc đi nhắc lại khi nói chuyện cùng tôi, nhân một chuyến khảo sát tại Cù Lao Xanh cách đây ít ngày”, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC chia sẻ mới đây trên trang cá nhân .
Cù Lao Xanh thuộc xã đảo Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn, cách đất liền 24km, được mệnh danh là “Hòn Ngọc Biển Đông”. Đảo nhỏ nằm giữa biển, ngát một màu xanh của cây cối nước biển bên cạnh những bờ cát trắng lấp lánh.
Hòn đảo này còn sở hữu thảm thực vật biển đa dạng cũng như nhiều vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết. Tuy nhiên hiện nay ngoài những nhóm khách đi tự phát ra đảo chơi rồi nhanh chóng quay về đất liền, ít người biết tới đảo vì chưa có nhà nghỉ hay cơ sở dịch vụ du lịch. Thậm chí ông Quyết còn cho biết Cù Lao Xanh chưa có cả điện, mà thu nhập bình quân tháng của nhiều người dân thậm chí không tới nổi triệu đồng.
“Chúng tôi đã quyết định sẽ đầu tư một dự án du lịch – nghỉ dưỡng lớn tại Cù Lao Xanh, trên tiêu chí hoà hợp với thiên nhiên và hạn chế tối đa tác động đến thiên nhiên trong quá trình thực hiện. Chúng tôi cũng muốn chia sẻ càng nhiều càng tốt các cơ hội với người dân ở đây, không chỉ là việc làm tại dự án, mà còn là các hoạt động đa dạng khác như home-stay, dịch vụ du lịch cho du khách”, ông Quyết tiết lộ thông tin đầu tư nhằm mang lại bộ mặt khác cho hòn đảo này.
Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc cũng từng khẳng định đối với Cù Lao Xanh, đầu tư không chỉ hiệu quả về kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, mà đây là nội dung lớn trong chiến lược bảo vệ biển đảo.
Với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước như FLC hứa hẹn sẽ đánh thức tiềm năng du lịch không chỉ ở Cù Lao Xanh mà còn nhiều địa điểm khác nữa. Làm được điều này, ngành công nghiệp không khói của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá và đóng góp 10% vào GDP.
Mục tiêu này cũng không phải quá xa vời khi năm 2016, số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam kỷ lục 10,01 triệu lượt, tăng 26% so với năm trước. Khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001. Tổng doanh thu ngành du lịch năm 2016 đạt 400.000 tỷ đồng, chiếm 6,8% GDP.
Đình Thiện