BVR&MT – Tỉnh Thái Nguyên đang tích cực vào cuộc bảo vệ mặt đập hồ Núi Cốc. Các hộ dân ở hạ du yên tâm, tỉnh đã có giải pháp bảo vệ tuyệt đối. Nếu có tình huống xấu xảy ra thì tỉnh Thái Nguyên đã có giải pháp cụ thể chi tiết đối với việc đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng hạ du.
Những ngày qua, thông tin về việc thân đập chính hồ Núi Cốc bị thấm nước, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão đã khiến nhiều người dân trong tỉnh Thái Nguyên, nhất là người dân vùng hạ du lo lắng. Qua Cổng TTĐT tỉnh Thái Nguyên, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã thông tin chính thức về vụ việc.
Đến thời điểm này ông đánh giá đập hồ Núi Cốc trong tình trạng như thế nào?
Ông Đoàn Văn Tuấn: Đến thời điểm này, hồ Núi Cốc vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối; được vận hành theo đúng quy trình kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và tỉnh phê duyệt, đồng thời, được thực hiện đúng chức năng của hồ, không có vấn đề gì xảy ra.
Hiện nay, mực nước trong hồ Núi Cốc đang ở mức thấp (mực nước lúc 11.30’ ngày 24/6/2017 là 40,56m). Theo quy trình vận hành đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 118/2006/QĐ-BNN ngày 29/12/2006, mực nước lớn nhất trong Hồ tại thời điểm ngày 1/7 có thể trữ là +42,7m, ngày 1/8 có thể trữ là +44,0m và ngày 1/9 có thể trữ là +46,2m.
Việc tỉnh Thái Nguyên ban bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc bị thấm có nguy cơ gây mất an toàn đập là như thế nào, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Tuấn: Về việc ban bố tình trạng khẩn cấp thân đập chính hồ Núi Cốc, sau khi lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đi kiểm tra thực địa phát hiện vết thấm nước của thân đập chính Hồ ngày càng tăng so với những năm trước.
Tỉnh đã mời Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng làm Trưởng đoàn cùng với lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra thực tế tình trạng của hồ Núi Cốc.
Trong cuộc họp với tỉnh Thái Nguyên và đi kiểm tra thực tế tại thân đập chính hồ Núi Cốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, đại diện các cục, vụ, viện của Bộ và phía tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất về tình trạng hồ Núi Cốc.
Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng đã cho ý kiến cần phải xử lý ngay và yêu cầu trước mắt tỉnh cần làm là lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, chuyên môn để triển khai ngay việc xử lý cấp bách chống thấm thân đập. Đồng thời, yêu cầu Thái Nguyên phối hợp với đơn vị tư vấn nhanh chóng tổ chức hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia để có phương án xử lý hiệu quả, kịp thời.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp thực hiện Dự án xử lý cấp bách đập chính hồ Núi Cốc.
Tham dự có đại diện Tổng cục Thủy lợi, các chuyên gia về lĩnh vực thủy lợi cùng đại diện một số sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan. Dự án do Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi tỉnh làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam.
Mục tiêu của dự án nhằm khôi phục, đảm bảo an toàn cho toàn bộ công trình thủy lợi hồ Núi Cốc và nhân dân vùng hạ du; đồng thời tiếp tục phát huy công năng của hồ, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và du lịch của tỉnh…
Sau đó tỉnh tiếp tục mời Tổng cục thủy lợi, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lên làm việc và kiểm tra một lần nữa. Với vai trò và tầm quan trọng đó nên việc xử lý ngay tình trạng của Hồ là rất cần thiết.
Và với lý do như trên nên tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 1569/QĐ-UBND ngày 14/6/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc bị thấm có nguy cơ gây mất an toàn đập.
Trước tình hình này, tỉnh Thái Nguyên đã có giải pháp như thế nào để đảm bảo an toàn đập hồ Núi Cốc?
Ông Đoàn Văn Tuấn: Sau khi phát hiện tình trạng hồ Núi Cốc có vết thấm và nước đục chảy từ thân đập ra, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra giải pháp cơ bản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng thuận cao.
Tỉnh đã mời đơn vị tư vấn hàng đầu Việt Nam xác định nguyên nhân, mức độ thấm. Sau khi đơn vị tư vấn đưa ra ý kiến, tỉnh đã mời Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các GS, chuyên gia đầu ngành về thủy lợi tham dự Hội thảo khoa học xác định đề xuất của đơn vị tư vấn, đưa ra các giải pháp và được Hội đồng khoa học đánh giá khả thi và thực hiện ngay việc xử lý thấm thân đập chính hồ Núi Cốc.
Tỉnh đã tiến hành các bước, đó là bóc toàn bộ lớp bê tông được ốp phía ngoài thân đập của hồ để xác định chính xác tình trạng thấm nước do đâu. Bước thứ hai là xử lý lớp đá ở thân đập, bước thứ 3 là thực hiện khoan phụt một số điểm trên toàn chiều dài tuyến của thân đập chính hồ Núi Cốc.
Tỉnh có đưa ra thời hạn xử lý dứt điểm tình trạng thân đập chính hồ Núi Cốc bị thấm, thưa ông?
Ông Đoàn Văn Tuấn: Sau khi phát hiện tình trạng như vậy, tỉnh đã thống nhất với Bộ NN&PTNT sau 45 ngày, kể từ ngày Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lên làm việc với tỉnh (9/6/2017) phải xử lý xong mặt đập hồ Núi Cốc. Tỉnh đã xây dựng chương trình làm việc cụ thể cho từng ngày để thực hiện xử lý.
Trong 45 ngày này tỉnh Thái Nguyên thực hiện việc xử lý khẩn cấp cho hồ Núi Cốc.
Giải pháp lâu dài, tỉnh đang lập chương trình Đề án xử lý toàn bộ mặt đập hồ Núi Cốc và đập phụ để đảm bảo mục đích của hồ là phục vụ cho tưới tiêu, nước sinh hoạt của TP Thái Nguyên, TP Sông Công; đáp ứng được nước công nghiệp cho Nhà máy SamSung, khu Công nghiệp; giữ được cốt nước để phục vụ du lịch hồ Núi Cốc…
Tỉnh Thái Nguyên có tính toán như thế nào đối với người dân ở vùng hạ du với tình hình của hồ Núi Cốc như hiện nay?
Ông Đoàn Văn Tuấn: Trước tình hình này, tỉnh đã có văn bản báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có sự quan tâm sát sao, tạo điều kiện hỗ trợ cho tỉnh Thái Nguyên về mọi mặt, đặc biệt là các biện pháp xử lý cấp bách và lâu dài đối với hồ Núi Cốc.
Trước sự cố thân đập chính hồ Núi Cốc bị thấm nước, mới đây (chiều 22/6), trực tiếp Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Trần Quốc Tỏ đã đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục.
Bí thư Tỉnh ủy đã yêu cầu các cơ quan chức năng, đơn vị được giao khắc phục sự cố, đặc biệt là công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên triển khai nhanh các biện pháp khẩn cấp xử lý sự cố đập chính Hồ Núi Cốc đã được thông qua.
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực vào cuộc bảo vệ mặt đập hồ Núi Cốc tuyệt đối. Các hộ dân ở hạ du yên tâm, tỉnh đã có giải pháp bảo vệ tuyệt đối, rà soát lại việc bảo vệ vùng hạ du, nếu có tình huống xấu xảy ra thì tỉnh Thái Nguyên đã có giải pháp cụ thể chi tiết đối với việc đảm bảo an toàn cho người dân ở vùng hạ du.