BVR&MT – Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11), Cổng thông tin điện tử Chính phủ xin giới thiệu bài viết có tựa đề “Thượng tôn pháp luật – Nền tảng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ nhân dân và doanh nghiệp” của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu.
Ngày 2/8/2016, phát biểu khai mạc Phiên họp đầu tiên của Chính phủ khóa 2016-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh Chính phủ khóa mới sẽ là một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Trên nhiều diễn đàn sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp “không phải chỉ nói bằng miệng mà phải hành động, mà hành động đó không phải là chỉ ở Trung ương mà cả ở địa phương, nhất là các cấp chính quyền cơ sở”. Có thể nói, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ, của tập thể Chính phủ là chắc chắn và vô cùng lớn. Xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp đã và đang trở thành một phương châm hành động của cả hệ thống chính quyền, đồng thời cũng là điều mà Nhân dân cả nước đang trông đợi.
Vậy làm thế nào để xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp? Tinh thần “Thượng tôn pháp luật” giữ vai trò như thế nào trong việc hiện thực hóa phương châm hành động này?
Thượng tôn pháp luật – tinh thần cốt lõi của Ngày Pháp luật Việt Nam
“Thượng tôn pháp luật” là khi pháp luật được sử dụng và đóng vai trò cao nhất trong việc điều tiết từng mối quan hệ, từng giao dịch diễn ra trong xã hội. Một chế độ thượng tôn pháp luật được hình thành khi tất cả các chủ thể trong xã hội, từ các cơ quan nhà nước cho tới người dân và doanh nghiệp, luôn coi trọng pháp luật trong mọi hành xử của mình…
Chúng ta biết rằng pháp luật là phương tiện không thể thiếu bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội. Ngay từ xa xưa, các nhà tư tưởng vĩ đại của thế giới như Platon, Heraclitus, Montesquieu… đã đề cập và kêu gọi tình yêu pháp luật, tình yêu hiến pháp cùng với tình yêu Tổ quốc. Pháp luật đem lại lợi ích thiết thực cho con người, góp phần quan trọng đảm bảo chất lượng cuộc sống toàn diện của con người. Pháp luật đã được khẳng định “là nghệ thuật của điều thiện và công bằng”. Để có một tình yêu sống động đối với pháp luật, pháp luật đó phải công bằng, nhân văn, vì quyền, tự do, lợi ích chính đáng và sự phát triển của con người. Pháp luật đó phải “vang vọng được ý dân, tiếng dân”, phải từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ.
Pháp luật của chúng ta không chỉ là một công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu mà còn tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hoá đời sống xã hội, góp phần xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn minh, hướng đến bảo vệ và phát triển các giá trị chân chính, trong đó có ý thức đạo đức. Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, việc tăng cường vai trò, hiệu lực của Hiến pháp, pháp luật là một tất yếu khách quan, một đòi hỏi bức thiết.
Chính vì lẽ đó, cần có 01 ngày để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, tôn vinh giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của con người, trong sự phát triển của quốc gia, dân tộc, để cho pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người, mọi tổ chức, cộng đồng và xã hội, đó là Ngày Pháp luật Việt Nam.
Với vai trò, ý nghĩa đặc biệt của pháp luật đối với cuộc sống, Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.
Tinh thần “Thượng tôn pháp luật” của Ngày Pháp luật dần xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.
Thượng tôn pháp luật – nền tảng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo
Quan niệm “Nhà nước phải thượng tôn pháp luật” cũng đã và đang được thể hiện xuyên suốt trong lịch sử nước ta. Ngay từ thế kỷ 15, khi Triều đại Hồng Đức đang ở giai đoạn thịnh trị của nhà nước quân chủ chuyên chế, Lê Thánh Tông đã răn dạy quần thần: “Pháp luật là phép công của Nhà nước, ta cùng các ngươi phải tuân theo, ngươi nên nhớ lấy”. Năm 1919, khi đấu tranh đòi lẽ công bằng, dân chủ cho người dân đất Việt đang dưới ách cai trị của thực dân, Nguyễn Ái Quốc cũng đã tìm đến vai trò của pháp luật và sự thượng tôn pháp luật. Trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Versailles, Người đã đưa ra tám yêu cầu đối với Thực dân Pháp, trong đó có 2 yêu cầu về sự thượng tôn pháp luật:
“Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng…
Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền…”
Khi nói về giải pháp xây dựng, củng cố bộ máy này nước, chống lại nạn tham nhũng, suy thoái trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh tới việc phải có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, phải “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”.
Và hiện nay tổ chức thực hiện tốt Ngày Pháp luật với tinh thần “Thượng tôn pháp luật” chính là việc làm thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phát triển.
Sự liêm chính của cán bộ, công chức có thể đạt được bằng hai cách. Cách thứ nhất là tăng cường trau dồi, nâng cao đạo đức, khi giải quyết công việc không để bị thao túng bởi lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Cách thứ hai là tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật, trong cuộc sống nói chung và trong thực thi công vụ nói riêng. Cán bộ, công chức, viên chức tuân thủ triệt để các quy định của pháp luật thì gần như sẽ không có khả năng và cơ hội để vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, ở đây cũng cần phải có một hệ thống pháp luật rõ ràng, cụ thể và hoàn chỉnh về các quy trình, thủ tục, về công khai, minh bạch, kê khai tài sản…
Tinh thần thượng tôn pháp luật tạo ra một hành lang an toàn cho cán bộ nhà nước tư duy mạnh dạn, sáng tạo và chịu trách nhiệm trong phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền của mình mà pháp luật đã quy định.
Thượng tôn pháp luật – nền tảng xây dựng Chính phủ hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp
Trong một Chính phủ hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, các cán bộ nhà nước từ cấp lãnh đạo tới cấp thi hành đều lấy lợi ích công, lợi ích của nhân dân làm lợi ích cao nhất, theo tinh thần mà Bác Hồ đã răn dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm”. Chính phủ phục vụ trước tiên là chính phủ làm hết chức trách của mình theo quy định của pháp luật. Trong Chính phủ phục vụ, cơ quan nhà nước phải nhận biết được nhu cầu của người dân, của doanh nghiệp để từ đó đưa ra các chủ trương, chính sách, các biện pháp hành động, quản lý phù hợp. Ở đây, chúng ta lại càng thấy rõ vai trò của tinh thần “Thượng tôn pháp luật”. Nếu chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, của các cán bộ, công chức nhà nước được quy định tường minh trong các văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật thực sự có vị trí thượng tôn đối với các cơ quan nhà nước và xã hội thì các cán bộ, công chức sẽ phải thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm chức trách, nhiệm vụ của mình. Như vậy, “Thượng tôn pháp luật” không chỉ là nội dung cốt lõi hình thành Nhà nước pháp quyền mà còn đóng vai trò là cơ sở để xây dựng thành công Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp như lời cam kết của người đứng đầu Chính phủ.
Năm 2017, Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu cho Chính phủ triển khai, hướng dẫn Ngày Pháp luật với chủ đề “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp”. Hưởng ứng Ngày Pháp luật, mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đoàn thể và mỗi người dân bằng những hành động thiết thực, cùng chung tay góp phần đưa Hiến pháp, pháp luật đi vào cuộc sống, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật, cùng quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Một số giải pháp để tinh thần “thượng tôn pháp luật” của Ngày Pháp luật Việt Nam được thực hiện thực chất, thường xuyên, liên tục
Để Ngày Pháp luật thật sự hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, để lại dấu ấn tích cực và được nhân dân ghi nhận, hành động theo tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ trong ngày 09/11 mà còn trong cả 365 ngày trong năm, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, tổ chức và mỗi người dân mới có thể tạo lập được một phong trào xã hội rộng lớn, biến Ngày pháp luật thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, góp phần xây dựng một Chính phủ “liêm chính, kiến tạo, phát triển” thì cần tập trung thực hiện một số định hướng sau:
Thứ nhất, để hình thành được tinh thần thượng tôn pháp luật, trước hết đó là sự thượng tôn của pháp luật đối với các cơ quan nhà nước, các cán bộ đại diện cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực công. Không chỉ người dân phải tuân thủ pháp luật, mà các cán bộ, công chức nhà nước phải triệt để tuân thủ pháp luật. Bất cứ hành xử nào của các cơ quan nhà nước, các cán bộ nhà nước đều phải dựa trên căn cứ là các quy định cụ thể của pháp luật theo tinh thần “cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật quy định”. Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi của Nhà nước pháp quyền. Khi cơ quan nhà nước, cán bộ nhà nước triệt để tuân thủ pháp luật, thì quyền và lợi ích hợp pháp của người dân mới được đảm bảo và việc tuân thủ pháp luật của người dân mới thực sự có ý nghĩa.
Thứ hai, để có được tinh thần “Thượng tôn pháp luật” đòi hỏi thời gian và sự nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp lãnh đạo và người dân. Điều cần làm trước tiên là xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh về tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, công vụ, công chức, các quy trình, thủ tục cho các giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; tiếp theo đó là cần giáo dục, quán triệt, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức và người dân; cuối cùng là cần có một cơ chế giám sát đủ mạnh để xử lý một cách hiệu quả các vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt khi các vi phạm đó ảnh hưởng trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, các cơ quan Chính phủ phải luôn xác định lấy Nhân dân và Doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, sử dụng cụ pháp luật với những cơ chế chính sách phù hợp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát huy quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức để phát triển sản xuất kinh doanh phát triển đất nước. Chính phủ tiếp tục tăng cường cải cách hành chính để tháo gỡ những rào cản đối với người dân và Doanh nghiệp; bãi bỏ các thủ tục hành chính lạc hậu, nhất là những giấy phép con gây trở ngại cho phát triển, cho đầu tư, sản xuất kinh doanh và đời sống của Nhân dân. Đồng thời, xây dựng Bộ máy trong sạch vững mạnh trên cơ sở tinh gọn đầu mối, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực công tác và có tinh thần trách nhiệm cao và có tính chuyên nghiệp cao thì mới có điều kiện để thực hiện tốt chức năng quản lý và phục vụ Nhân dân, phục vụ Doanh nghiệp.
Thứ tư, đối với ngành Tư pháp, trong bối cảnh các bộ, ngành, địa phương đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp, cùng thực hiện quyết tâm của Chính phủ chuyển hướng mạnh mẽ từ mệnh lệnh hành chính sang kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ, ngành Tư pháp cũng đang phấn đấu nỗ lực tham mưu hiệu quả hơn nữa cho Chính phủ, các địa phương trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý được phân công. Trong đó, tập trung triển khai đề xuất, tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước, đặc biệt chú trọng rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư kinh doanh, các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng với đó là các giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi; tăng cường công tác tổ chức thi hành pháp luật; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong các lĩnh vực công tác liên quan đến người dân và doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của ngành; tổ chức tốt thi hành án dân sự; thẩm định điều ước quốc tế; đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…
Phan Chí Hiếu
Thứ trưởng Bộ Tư pháp