BVR&MT – Có lẽ không nhiều địa phương nào có lợi thế làng nghề phát triển như ở huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Đến nay, toàn huyện có 126/126 làng có nghề (tỷ lệ 100%) với gần 1,7 vạn gia đình tham gia sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, 44 làng đã đạt tiêu chí được công nhận làng nghề của thành phố. Tuy nhiên, một số làng nghề ở huyện Thường Tín đang gây ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng.
Đơn cử như làng nghề Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) nổi tiếng với nghề chế tác và kinh doanh sản phẩm mỹ nghệ từ sừng động vật. Nhưng có điều không bình thường là cả làng nghề này không hề có bất cứ một hệ thống thu gom rác hay xử lý chất thải nào. Ken dày trong làng nghề là đủ các kiểu dạng ống dẫn thoát nước thải, được lắp đặt vô tội vạ, nối từ các cơ sở sản xuất, xưởng chế biến xả thẳng ra cống rãnh, mương nước mà không qua bất cứ quy trình xử lý nào. Ai cũng biết và có thể tận mắt chứng kiến việc xả nước thải từ các cơ sở sản xuất trực tiếp ra môi trường. Thế nhưng, không một ai lên tiếng, vì tất cả đều xả thải nên cùng hứng chịu khi môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Làng nghề Thụy Ứng bao gồm 04 xóm, với gần 300 hộ làm chế tác và kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ từ sừng và xương. Người dân thu mua da, sừng, xương, móng trâu bò ở khắp mọi nơi, thậm chí nhập khẩu từ châu Phi về chế biến. Trong quá trình chế biến, sản xuất, các hộ dân và doanh nghiệp gần như không có biện pháp nào bảo vệ môi trường. Tất cả chất thả và nước thải được xả trực tiếp ra môi trường xung quanh.
Do không có điểm tập kết chất thải nên ngoài việc tự lắp các ống xả thải, người dân còn đổ bừa bãi phế phẩm ra môi trường, khiến cống rãnh, mương nước ứ đọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc, ô nhiễm bụi làm ảnh hưởng sức khỏe người lao động. Và không ai dám bảo đảm nước tưới cho những cánh đồng lúa trong khu vục không bị nhiễm bẩn từ các cơ sở trong làng.
Theo chị Ngô Thị Lanh đại diện Công ty TNHH Xuân Huy (thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) thì công ty chị đã đầu tư hệ thống nén khí, hút bụi để xử lý bụi trong việc mài cắt sừng.Thế nhưng trên thực tế, hệ thống hút bụi ở hầu hết các xưởng sản xuất chỉ là những chiếc quạt để thổi bụi, và thay vì hút lại để gom xử lý thì bụi sẽ bay khắp nơi nếu hệ thống này được sử dụng. Nhiều cơ sở sản xuất nhếch nhác, không đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; các đống bụi từ sừng trong quá trình sản xuất cũng không được thu gom đúng quy trình. Trước thực trạng này, xã Hòa Bình đã lên phương án quy hoạch làng nghề, nhưng cho đến nay, quy hoạch này vẫn đang được thực hiện trên giấy.
Khác với xã Hòa Bình, xã Tiền Phong – huyện Thường Tín, mặc dù đã xây dựng được cụm công nghiệp làng nghề, với quy mô gần 10 ha để di dời làng nghề Trát Cầu, nhưng rất ít hộ chuyển đến. Bởi không phải ai cũng có điều kiện để thuê địa điểm sản xuất trong khu vực mới. Ở cụm công nghiệp này,việc quy hoạch không khác gì khu dân cư, khu đô thị. Nên đã hạn chế cho việc sản xuất và kinh doanh của các hộ sản xuất. Vì thế, các xưởng vẫn hoạt động ngay trong khu dân cư, dẫn đến tình trạng giữa xưởng sản xuất và nhà cửa luôn ngập trong rác, nguồn nước bẩn và nguy cơ cháy nổ xảy ra bất cứ lúc nào.
Trước tình trạng rác thải không được thu gom hết, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân trong làng, bà Nguyễn Thị Hồng (làng nghề Trát Cầu, xã Tiền Phong) bức xúc nói: “Vì lợi nhuận kinh tế, gần 1 nghìn hộ làm nghề và hơn 60 doanh nghiệp chuyên sản xuất chăn ga, gối đệm ở làng nghề Trát Cầu cứ mạnh ai người ấy làm, không quan tâm đến bảo vệ môi trường. Những hộ sản xuất nhỏ lẻ thường có thói quen vứt và đốt rác thải, nguyên liệu thừa một cách bừa bãi, khiến bầu không khí ô nhiễm trầm trọng. Người dân chúng tôi chỉ mong các cấp các ngành liên quan có những biện pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm này”.
Bài và ảnh: Đông Nghi