BVR&MT – Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) 1.000 đồng/lít với mặt hàng xăng (trừ ethanol). Đề xuất này sẽ làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, theo đó giảm sức ép chi phí với DN.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.
Thuế giảm 1.000 đồng, giá xăng giảm bao nhiêu?
Bộ Tài chính vừa chính thức có văn bản gửi các bộ, ngành, Hiệp hội xăng, dầu Việt Nam về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay).
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn như sau: Xăng (trừ ethanol) giảm 1.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít. Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg. Nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Theo quy định hiện nay, mức thuế BVMT đối với xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; dầu diesel là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế là 2.000 đồng/lít); dầu mazut là 2.000 đồng/lít; dầu nhờn là 2.000 đồng/lít và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít. Những mức thuế này đều nằm là mức trần trong khung thuế.
Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế BVMT sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế BVMT. Với việc mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này.
Cụ thể, đối với xăng (trừ ethanol), với việc giảm mức thuế BVMT 1.000 đồng/lít so với hiện hành sẽ làm giá bán lẻ giảm tương ứng 1.100 đồng/lít. Đối với dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn với việc giảm mức thuế BVMT 500 đồng/lít so với hiện hành thì giá bán lẻ giảm tương ứng là 550 đồng/lít. Mức giảm trên đã bao gồm cả thuế GTGT.
Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, giảm thuế BVMT với xăng, dầu là giải pháp cần thiết và cấp bách trước những “cú sốc” hiện tại. Đó là tình hình xung đột Nga – Ukraine căng thẳng làm cho giá dầu thế giới tăng đột biến và nguồn cung dầu hỏa của OPEC đang giảm mạnh so với cầu hiện nay. Hai yếu tố này cộng hưởng làm cho giá xăng, dầu thế giới tăng mạnh.
Tăng mức giảm thuế, hỗ trợ DN phục hồi
Được coi là “Vua” quạt miền Bắc, Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và thương mại Phương Linh (Khu biệt thự Dương Nội – Hà Nội) chuyên sản xuất và kinh doanh quạt công nghiệp và các thiết bị lọc bụi đã có các chiến lược, kế hoạch sản xuất để vẫn đứng vững và phát triển giữa “bão” Covid-19. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, việc giá xăng, dầu tăng phi mã đã khiến DN này cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.
Ông Trần Văn Lê- Giám đốc Công ty Phương Linh cho hay, chi phí vận chuyện tăng khiến vật tư, sắt thép chắc chắn tăng giá. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. “Chúng tôi mong Chính phủ chủ động nguồn cung và cân đối quỹ bình ổn giá, giảm thuế BVMT tốt hơn nữa”- ông Lê nhấn mạnh.
Mới đây, ngày 4/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, góp ý dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo phản ánh của các DN, hiệp hội, việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần cân nhắc tiến hành mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, VCCI đánh giá cao đề xuất của cơ quan soạn thảo về giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Cơ quan này nhấn mạnh đề xuất giảm thuế rất quan trọng và đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm kiềm chế đà tăng của giá xăng, dầu, nguyên nhiên liệu rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực trong việc hỗ trợ người dân, DN phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.
Theo VCCI, dự thảo hiện đang đề xuất phương án giảm 1.000 đồng/lít với xăng và 500 đồng/lít/kg với dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022. Giá bán lẻ xăng, dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trong bối cảnh xung đột quân sự cũng như các trừng phạt kinh tế đang diễn ra căng thẳng tại châu Âu và có xu hướng leo thang.
Giải pháp trợ lực giảm thuế phí từ Nhà nước rất quan trọng trong bối cảnh sức khỏe của DN và cả nền kinh trong giai đoạn này đang ốm yếu, cần hồi phục. Hơn nữa giải pháp này cũng khả thi khi Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ giá xuất khẩu dầu thô tăng và tình hình thu ngân sách 2 tháng đầu năm 2022 rất khả quan. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình thêm một phương án nữa có mức giảm mạnh hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. Thời hạn giảm có thể ngắn hơn, chẳng hạn 3 – 6 tháng nếu giá xăng, dầu ổn định trở lại thay vì áp dụng một mức cố định trong cả 8 tháng, đến hết năm 2022.
Dự kiến, tác động ngân sách Nhà nước (NSNN), theo Bộ Tài chính, với sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 sẽ tương đương năm 2019 và mức thuế BVMT đối với những mặt hàng này như đề xuất thì số thu thuế BVMT sẽ giảm một năm khoảng 14.524 tỷ đồng/năm. Từ đó tác động làm giảm thu NSNN (bao gồm cả thuế BVMT, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 15.976 tỷ đồng/năm (số giảm thu NSNN bình quân một tháng là 1.331,4 tỷ đồng/tháng). Nếu tính giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 1/4/2022 thì số giảm thu NSNN (bao gồm cả thuế BVMT, thuế GTGT) sẽ khoảng 11.982 tỷ đồng.
Đây mới là Dự thảo đề án đang lấy ý kiến bộ ngành và cơ quan liên quan. Chúng tôi mong nhận được nhiều đóng góp, ý kiến để báo cáo các cấp nhằm có phương án sửa đổi phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi Nếu Chính phủ không can thiệp thì giá xăng, dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng phi mã. Giá mặt hàng này tăng sẽ tác động kéo theo hàng loạt các loại giá cả hàng hóa, dịch vụ khác tăng. Điều này ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và DN, tạo thêm khó khăn cho họ trong bối cảnh vốn dĩ đã phải chịu hệ quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Mặt khác, giá xăng, dầu tăng phi mã hiện nay còn là yếu tố tạo áp lực đến lạm phát trong thời gian tới. PGS.TS Trần Hoàng Ngân |