Thực trạng của các doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng tại Lâm Đồng

BVR&MT – Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 386 dự án giao đất, cho thuê đất, thuê rừng cho các doanh nghiệp để triển khai dự án với tổng diện tích hơn 57.209 ha, trong đó 189 dự án đã bị thu hồi (bao gồm 157 dự án thu hồi toàn bộ và 32 dự án thu hồi một phần, với tổng diện tích 28.218 ha) do không triển khai thực hiện dự án hoặc triển khai chậm tiến độ.

Khu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm – tỉnh Lâm Đồng).

Sau một thời gian được giao cho các doanh nghiệp có 1.157 ha rừng bị phá, lấn chiếm trái phép trở thành đất trống, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng là 219 tỷ đồng, đến nay mới thu được 10% số tiền mà các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng, nhiều doanh nghiệp cố tình chây ì hoặc chậm thực hiện mặc dù UBND tỉnh ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, cụ thể: Năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định số 1789/QĐ-UBND ngày 17/8/2011 về việc cho Công ty TNHH An Nguyễn thuê đất, thuê rừng với diện tích 162,34 ha để thực hiện dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm.

Sau khi nhận được dự án đầu tư Công ty TNHH An Nguyễn triển khai rất chậm các hạng mục, không thực hiện đúng như cam kết của dự án, không bố trí thường xuyên đủ lực lượng để bảo vệ dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm mất 31,45 ha rừng, trữ lượng lâm sản hiệt hại là 10.494m³, UBND tỉnh yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng là 11,9 tỷ đồng; Năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định 1226/QĐ-UBND ngày 04/6/2010 về việc cho Công ty TNHH kỹ thuật nhựa Khang Thịnh thuê rừng và đất lâm nghiệp với diện tích 129,21 ha tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, trong đó diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên là 59,69 ha; diện tích cải tạo trồng rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là 69,52 ha.

Ngày 7/9/2015 qua kiểm tra của các Sở ban ngành cho thấy đơn vị đã để tình trạng lấn chiếm đất rừng, phá rừng làm mất 50 ha rừng, trữ lượng lâm sản thiệt hại hại là 6.735,5 m3, UBND tỉnh đã giao cho các Sở ban ngành tính toán giá trị bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng; Công ty Cổ phần Nam Nam tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm được UBND tỉnh quyết định cho thuê để quản lý, bảo vệ, trồng rừng, trồng cây công nghiệp kết hợp chăn nuôi gia súc với tổng diện tích 120,38 ha, qua thời gian đơn vị đã để xảy ra lấn chiếm, phá rừng làm mất 43,5 ha rừng, UBND tỉnh yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng là 9,9 tỷ đồng; Công ty TNHH sản xuất thương mại XNK Hoàng Thịnh tại huyện Ðạ Tẻh để mất 110,9 ha, UBND tỉnh yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng gần 70 tỷ đồng; Công ty TNHH Vĩnh Tuyên Lâm tại huyện Ðức Trọng để mất 49,3 ha, UBND tỉnh yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng gần 23 tỷ đồng; Công ty Thuận Thành để mất 12,2 ha, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng là 10,8 tỷ đồng; Công ty TNHH Ngọc Mai Trang tại huyện Lạc Dương làm mất hơn 21,6 ha, UBND tỉnh yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng là 12,4 tỷ đồng; Công ty TNHH TN DV XNK Võ Hà Lê  tại huyện Lạc Dương để mất hơn 44 ha, UBND tỉnh yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng là 20,7 tỷ đồng,…

Ngoài ra một số doanh nghiệp triển khai dự án chậm hoặc thực hiện các nội dung không đúng trong giấy chứng nhận đầu tư bị UBND huyện, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó cũng có một số doanh nghiệp sau khi có quyết định của UBND tỉnh đã triển khai dự án rất tốt, cụ thể như: DN tư nhân Tân Minh ở huyện Di Linh được thuê 253 ha rừng và đất lâm nghiệp (trong đó: diện tích để trồng rừng gần 245 ha, 8,0 ha là diện tích rừng để quản lý bảo vệ). Đến nay đơn vị đã trồng rừng được hơn 200 ha; Công ty TNHH Huyền Trang được thuê 140 ha (trong đó: diện tích để trồng rừng là 134,6 ha, 5,4 ha là diện tích để quản lý, bảo vệ). Hiện đơn vị đã trồng được 110 ha rừng.

Quyết định cho các doanh nghiệp để giao đất, cho thuê đất, thuê rừng là một chủ trương đúng, mang tính xã hội hóa nghề rừng; có ý nghĩa lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho người dân địa phương có công ăn việc làm, nâng cao đời sống. Tuy nhiên để việc giao đất, cho thuê đất, thuê rừng cho các doanh nghiệp mang lại hiệu quả cao đúng với mục đích của nó thì cần phải thực hiện tốt các nội dung sau:

Một là: Siết chặt công tác thẩm định đầu tư dự án đối với các doanh nghiệp về việc giao đất, cho thuê đất, thuê rừng: xem xét tính khả thi của dự án (diện tích thuê đất, thuê rừng của dự án; nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực; công tác chỉ đạo điều hành và tổ chức sản xuất; sản phẩm đầu ra của dự án,…); cần phải cân đối đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

Hai là: Trước khi giao (thuê) đất, rừng các cơ quan chuyên môn, cơ quan có liên quan có trách nhiệm kiểm kê trữ lượng tài nguyên rừng, định giá rừng thực tại, xác định ranh giới cụ thể ngoài thực địa để giao cho doanh nghiệp.

Ba là: Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thưc hiện các nội dung trong dự án đầu tư của doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý, thu hồi toàn bộ hoặc một phần dự án nếu doanh nghiệp cố tình chây ì chậm thực hiện hoặc không thực hiện theo đúng tiến độ dự án. Doanh nghiệp nào sau một năm kể từ ngày giao chưa triển khai thực hiện, kiên quyết thu hồi.

Bốn là: Quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp không cho sang nhượng dự án trừ trường hợp bất khả kháng; trường hợp doanh nghiệp sang nhượng dự án cần xem xét đến năng lực tài chính, nguồn nhân lực,…của doanh nghiệp được chuyển tiếp.

Năm là: Kiên quyết xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp để lấn chiếm đất, phá rừng; tùy theo mức độ vi phạm của doanh nghiệp để xử lý hành chính, yêu cầu bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng hoặc thu hồi dự án,…

Sáu là: Các sở ban ngành thường xuyên rà soát lại các văn bản quy định có liên quan đến việc giao đất, thuê đất, thuê rừng để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách sát với thực tế tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án để phát triển nhưng đồng thời không trái với các quy định của pháp luật.

Bảy là: Chính quyền địa phương (UBND huyện, UBND tỉnh) cùng với các cơ quan chuyên môn định kỳ tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, giải quyết những vướng mắc kịp thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án đạt hiệu quả cao.

Phương Mai  (Sở NN&PTNT Lâm Đồng)