Thực thi các giải pháp giảm sử dụng túi ni-lông dùng một lần

BVR&MT – Các sản phẩm từ nhựa, ni-lông ra đời mang lại rất nhiều tiện ích trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, do tính bền, khó phân hủy, các sản phẩm này đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các loài động thực vật.

Nhân viên thu ngân đóng gói và thanh toán cho khách hàng tại siêu thị Winmart.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, gần 50% số sản phẩm nhựa được sản xuất tại Việt Nam là sản phẩm dùng một lần và sau đó bị thải bỏ.

Tỷ lệ rác thải nhựa và túi ni-lông dùng một lần trong tổng lượng rác thải rắn tại các thành phố vẫn đang ngày càng gia tăng. Tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng từ 3,8 kg/người (năm 1990) lên 41,3 kg/người (năm 2018).

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hằng năm số lượng túi ni-lông trở thành rác thải nhựa là khoảng 31,4 tỷ túi, trong đó chỉ có khoảng 17% được sử dụng và tái chế; số còn lại sẽ nhanh chóng được đưa ra các bãi chôn lấp hoặc vứt ra ngoài môi trường do thiếu hệ thống quản lý rác thải đạt chuẩn.

Trong khi đó, tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ truyền thống… túi ni-lông vẫn là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu cho công năng bao gói, chứa đựng hàng hóa.

Nguyên nhân khiến cho việc sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn còn phổ biến tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ chủ yếu xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về tác hại do rác thải nhựa của các doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Chưa hình thành hệ thống phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường; việc thực thi các giải pháp, chính sách nhằm kéo giảm, tiến tới loại bỏ sử dụng, phát thải túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần chưa được chú trọng, đồng thời việc hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hàng hóa sử dụng bao bì thân thiện với môi trường trong hệ thống phân phối bán lẻ còn thiếu, có nhiều khoảng trống…

Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường), Tiến sĩ Kim Thị Thúy Ngọc cho biết: Số liệu khảo sát vào tháng 3/2021, do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện tại 48 siêu thị về hiện trạng sử dụng túi ni-lông dùng một lần trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy: Số lượng túi ni-lông dùng một lần được sử dụng tại các siêu thị trung bình khoảng hơn 104 nghìn túi/ngày (tương đương với 38 triệu túi ni-lông/năm).

Có 46 trong số 48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi ni-lông miễn phí, trong đó hơn 40 siêu thị sử dụng túi ni-lông có thể phân hủy (quy định tại Thông tư 07/2021/TT-BTNMT quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi ni-lông thân thiện với môi trường), số siêu thị còn lại sử dụng túi ni-lông thông thường.

Các loại túi ni-lông dùng một lần trong siêu thị gồm: túi ni-lông đựng hàng, hộp, bao bì nhựa dùng một lần.

Đáng chú ý, các loại túi ni-lông trong siêu thị có túi “tự phân hủy” hoặc “túi tự hủy” được làm từ sự phối hợp của các chất phụ gia sinh học chẳng hạn như tinh bột và các loại nhựa truyền thống như: PP, PE và polystyrene (PS).

Những hỗn hợp này thường bao gồm 70% nhựa, thực chất là chất dẻo phân hủy do ô-xy hóa. Đây không phải là loại có thể ủ được hoặc có thể phân hủy sinh học. Nếu loại túi phân hủy này được thải ra môi trường, chúng sẽ gây ra vấn đề đáng lo ngại do chúng chỉ bị phân hủy thành các hạt nhựa nhỏ (vi nhựa).

Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng: Các sản phẩm từ nhựa, ni-lông ra đời mang đến không ít tiện ích và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của rất nhiều người.

Tuy nhiên, tính bền, khó phân hủy lại khiến các sản phẩm nhựa, ni-lông gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái đất.

Do vậy, năm 2009, Sáng kiến thế giới không dùng túi ni-lông (Bag Free World) đã chính thức chọn ngày 3/7 hằng năm là “Ngày Quốc tế không sử dụng túi ni-lông”, với mục đích khuyến khích người tiêu dùng trên toàn thế giới giảm sử dụng túi ni-lông, thúc đẩy các giải pháp thân thiện với môi trường.

Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nhiều chính sách để hạn chế túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rõ về trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất; quy định về kéo giảm, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.

Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam do Bộ Công thương ban hành năm 2021, đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% số trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng túi ni-lông, bao bì thân thiện với môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt.

Để kéo giảm, tiến tới loại bỏ túi ni-lông, sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các đối tượng là người tiêu dùng, nhà bán lẻ, nhà sản xuất về tác hại của túi ni-lông đối với nền kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Tiếp tục định hướng trong vấn đề sản xuất và sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường; xây dựng và triển khai các chính sách, biện pháp quản lý tổng hợp, thực hiện song hành nhiều giải pháp cụ thể, từ hướng dẫn và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại các chợ, trung tâm thương mại hạn chế sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và thay thế bằng các loại vật liệu thân thiện với môi trường.

Các nhà quản lý, nhà khoa học lĩnh vực môi trường đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu, phân phối và sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nhất là tại các cơ sở bán lẻ trên địa bàn cả nước.

Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải túi ni-lông khó phân hủy, đồ nhựa sử dụng một lần thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.

Mặt khác, sớm xây dựng lộ trình, các hoạt động cụ thể cần thực hiện nhằm hạn chế sử dụng, phát thải túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích, hỗ trợ thương nhân, hộ kinh doanh tại các cơ sở thương mại để từng bước kéo giảm, tiến tới loại bỏ sử dụng túi ni-lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; đồng thời từng bước thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên như vật liệu gỗ, mây, tre…

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ