BVR&MT – Vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ màu mỡ xưa nay vốn nức tiếng về các loại cây công nghiệp cũng như các món ăn cầu kì, hấp dẫn. Vậy mà có một thức quà quê bình dị nhưng không kém phần quyến rũ, cách làm không quá phức tạp nhưng vẫn mang hương vị đặc trưng riêng đó chính là bánh hoa.
Bánh hoa có hình như những bông hoa, khi ăn giòn, có vị thơm riêng. Nguyên liệu chính để làm bánh hoa là gạo, trứng gà, đường, dừa, vừng và cốm. Là những nguyên liệu đơn giản, nhưng nhờ sự khéo léo của người làm nghề đã cho ra những chiếc bánh giòn, thơm và có vị ngầy ngậy rất riêng.
Vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ, rộng hơn 13 nghìn ha, cùng hàng chục nghìn héc-ta đất màu mỡ nằm chủ yếu trên địa bàn các huyện Nghĩa Ðàn, Quỳ Hợp, thị xã Thái Hòa (tỉnh Nghệ An)… rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ bền vững cũng như các ngành nghề thủ công truyền thống. |
Khối Tân Liên, phường Hòa Hiếu, Thị xã Thái Hòa là nơi có nhiều cơ sở sản xuất bánh hoa nhất, trong đó phải kể đến gia đình chị Nguyễn Thị Thúy Hằng – chủ chủ cơ sở bánh hoa Hoà Sinh. Tính đến nay gia đình chị đã phát triển nghề được hơn 30 năm.
Ngày ấy, ông bà nội chị Hằng người có thâm niên làm bánh có một gian sinh sống ở Thái Lan, sau khi hồi hương mang về bí quyết làm bánh. Đây chính là điều khiến cho bánh hoa Thái Hòa mang một hương vị riêng, khác lạ hoàn toàn so với các vùng miền.
Để tạo thành một chiếc bánh hoa thơm ngậy, người làm phải dậy từ 4h sáng để kịp chuẩn bị và cho ra lò những chiếc bánh mới nhất trong ngày. Muốn bánh giòn, thơm ngon đủ độ thì trước hết số khuôn trong chảo dầu phải thật nóng già, khi nhúng khuôn vào bột phải thật nhanh tay và cũng không được để ngập khuôn. Sau đó đưa lên rồi lại thả vào chảo dầu đang sôi, lắc cho đến khi bánh rời khỏi khuôn…
Làm bánh hoa không khó nhưng đòi hỏi người làm phải kiên trì bởi ngồi hàng tiếng đồng hồ bên nồi chảo dầu nóng trong thời tiết mùa hè thì không phải chuyện đơn giản.
Mỗi ngày gia đình chị bán ra khoảng hơn 500 bịch bánh, đặc biệt vào dịp lễ hội hoa hướng dương cơ sở của chị sản xuất không kịp để phục vụ khách hàng. Để cải tiến hương vị của bánh, gia đình đã sử dung thêm hương vị Cốm (loại cốm Làng Vòng lấy từ Hà Nội) vừa để tạo màu vừa tăng thêm vị lạ cho bánh hoa. Chị Ngô Thị Thúy Hằng chia sẻ: “Làm bánh hoa không khó nhưng đòi hỏi người làm phải kiên trì. Nghề này ổn định, làm quanh năm. Khách tìm đến mua chứ người bán không phải đi bán đâu xa”.
Chị Nguyễn Thị Anh – một người chuyên nhập bánh hoa về bán lẻ cho biết: “ Tôi thường xuyên lấy bánh tại đây, vài ngày lại lấy một xe đầy về để bán. Rất nhiều khách mua vì nó ngon, có hương vị riêng. Đặc biệt là các bạn sinh viên xa nhà, mỗi lần về đều mua làm quà quê Nghệ An”.
Mặc dù Thị xã Thái Hòa nay đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa – dịch vụ, thế nhưng bánh hoa vẫn được nhiều gia đình lựa chọn làm nghề phát triển kính tế đồng thời giữ được nghề truyền thống xưa nay của ông cha. Có dịp ghé thăm vùng đất Phủ Quỳ, thức quà quê dung dị như bánh hoa chắc chắn sẽ không làm du khách thất vọng.
Hà Linh