BVR&MT – Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết “Tam nông” (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008, Hội nghị Trung ương 7 khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn), tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Nền nông nghiệp có bước chuyển mạnh mẽ. Bộ mặt nông thôn khang trang hơn. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao…
Nhiều thành tựu nổi bật
Yên Sơn là địa phương điển hình thực hiện tốt Nghị quyết “Tam nông” tại tỉnh Tuyên Quang. Bí thư Huyện ủy Yên Sơn Phạm Ninh Thái cho biết, nhằm nhanh chóng đưa Nghị quyết này đi vào cuộc sống, huyện đã triển khai việc học tập, quán triệt Nghị quyết một cách đồng bộ, chặt chẽ, gắn với tuyên truyền cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Từ đó, nhận thức và ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn huyện được nâng cao. Đa số người dân đã ý thức được vai trò chủ thể của mình, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào có sức lan toả mạnh mẽ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, được người dân quan tâm, tham gia tích cực…
Cùng với đó, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã thực hiện tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh: Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XVI) về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn bản gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020…
Nhờ đó, đến nay, toàn huyện đã có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các xã còn lại đạt bình quân 15 tiêu chí/xã. Người dân đồng lòng cùng đóng góp công sức, tiền của để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn đã hiến hơn 80.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa. Huyện đã hình thành 4 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, mỗi vùng có những sản phẩm thế mạnh riêng; xây dựng 17 nhãn hiệu nông sản; 10 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn ngày càng nâng lên…
Ông Hứa Thiên Khai, dân tộc Tày, ở thôn 5, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn chia sẻ, so với trước đây khi chưa thực hiện Nghị quyết “Tam nông”, hiện nay, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa sạch sẽ thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đảm bảo cho việc sản xuất nông nghiệp. Hệ thống trường, lớp học được đầu tư xây dựng khang trang… Đây cũng chính là động lực để người dân tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, đóng góp xây dựng quê hương…
Không chỉ riêng huyện Yên Sơn, việc thực hiện Nghị quyết “Tam nông” đã được các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai tích cực, huy động sự vào cuộc của toàn thể nhân dân… Sau 13 năm triển khai Nghị quyết, Tuyên Quang đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên cả ba lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Tính đến cuối năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng bình quân hơn 4%/năm, sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 34 vạn tấn. Ngành Nông nghiệp đã và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó, tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đi sâu phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản. Các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã được hình thành và có sự chuyển biến theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường (vùng cam có trên 8.600 ha, trong đó, theo tiêu chuẩn VietGAP 687 ha và tiêu chuẩn hữu cơ 30 ha; vùng chè trên 8.400 ha, trong đó, theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững 729 ha, tiêu chuẩn VietGAP 93 ha và tiêu chuẩn hữu cơ 24 ha…). Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa tập trung trang trại, gia trại và đã hình thành theo từng vùng; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng bình quân 5,8%/năm, chiếm 40,8% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản toàn ngành.
Tỉnh thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC đạt trên 35.800 ha (đứng đầu cả nước về cấp chứng chỉ rừng); năng suất rừng trồng đạt bình quân 16 m3/ha/năm; số lồng nuôi cá trên sông, hồ thủy điện tăng từ 353 lồng năm 2008 lên 2.225 lồng năm 2020, trong đó 1.100 lồng nuôi cá đặc sản, tỷ trọng giá trị cá đặc sản/tổng giá trị sản phẩm thủy sản chiếm 21%. Hiện toàn tỉnh có 79 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; 54 sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 47/124 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 37,9%), số tiêu chí bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã (tăng trên 12 tiêu chí/xã so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh hằng năm đều giảm đạt và vượt kế hoạch đề ra (giai đoạn 2016 – 2020 giảm từ 27,81% năm 2016 xuống còn 9,03% năm 2020). Thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn tăng 4,15 lần so với năm 2008 (từ 7,1 triệu đồng/người/năm 2008 lên 29,5 triệu đồng/người/ năm 2020)…
Tạo đà cho phát triển bền vững
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết “Tam nông” ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang cho biết, để thực hiện tốt Nghị quyết cần thường xuyên đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vì sự nghiệp nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tỉnh đã ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, các chính sách tạo ra sự đột phá vừa khuyến khích phát triển trên diện rộng, vừa tạo cơ hội cho người dân là chủ thể trong tổ chức thực hiện. Tuyên Quang lồng ghép hiệu quả nguồn lực từ các nguồn vốn, chương trình, dự án để hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn, đặc biệt đối với hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân… Khi đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Giang, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối với thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, Tuyên Quang thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế lâm nghiệp nhằm tạo nền tảng vững chắc để từng bước xây dựng, phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh thành hình mẫu của cả nước.
Tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên hỗ trợ phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Địa phương tập trung phát triển các cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều lao động gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
Tuyên Quang tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sống, thay đổi tư duy, nếp sống của người dân nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhất là các vùng, địa phương còn nhiều khó khăn nhằm hoàn thành và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Địa phương tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học gắn với rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học; ưu tiên đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, hỗ trợ làm giàu, đẩy mạnh giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 65%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 2-2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn mới. Tuyên Quang phấn đấu toàn tỉnh có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (85/122 xã), trong đó, hơn 30% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 10% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; nâng số tiêu chí bình quân chung toàn tỉnh trên 17 tiêu chí/xã…