BVR&MT – Chiều 24-12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2020, mặc dù gặp đầy khó khăn thách thức, thiên tai khốc liệt, “bão chồng bão, lũ chồng lũ ” nhưng chúng ta vẫn giành thắng lợi toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Việt Nam đến nay đạt tăng trưởng GDP gần 3%, là mức cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Đặc biệt, chúng ta đạt mức xuất siêu kỷ lục gần 20 tỷ USD. Việt Nam là một trong năm nước có dòng thương mại mạnh nhất; các lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội được bảo đảm. Điểm nổi bật nữa là chúng ta đã kiểm soát thành công dịch Covid-19, được thế giới đánh rất giá cao. Thủ tướng nêu rõ, năm 2020 là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện. Nông nghiệp Việt Nam cho thấy vai trò sống còn, là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế quốc gia, giúp nước ta tăng trưởng dương. Nông nghiệp năm nay đã thích ứng đại dịch, thiên tai. Sản xuất nông lâm thuỷ sản vẫn phát triển bình thường, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp hoàn thành bốn chỉ tiêu quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao. Trong đại dịch thế giới, nông nghiệp Việt Nam bảo đảm an ninh lương thực trong nước và hỗ trợ tích cực nhiều quốc gia…
Trong một năm thiên tai, “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, Bộ NN-PTNT đã có nhiều đóng góp quan trọng ứng phó, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại người và của. Ngành đã từ chủ động ứng phó sang phòng ngừa là chính. Công tác chỉ đạo của Bộ sát sao, đúng và trúng. Năm nay hạn mặn còn khốc liệt hơn bao giờ hết nhưng chúng ta đã vượt qua, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại. Công nghiệp chế biến nông sản được đẩy mạnh, thu hút được nhiều DN đầu tư, thúc đẩy liên kết chuỗi, hạn chế tình trạng được mùa rớt giá. Vai trò của DN, HTX nhất là DN lớn thể hiện rõ trong năm qua. Các DN làm nông nghiệp đều đạt hiệu quả cao.
Nhân dịp này, Thủ tướng kêu gọi các DN tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra, tăng cả về lượng và chất. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi mạnh mẽ, đời sống nông dân được cải thiện rõ nét. Công tác phát triển, mở cửa thị trường được đẩy mạnh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN-PTNT với Bộ Công thương. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải coi trọng vấn đề thị trường. Chú trọng vấn đề hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kiểm soát đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Chú trọng phát triển các DN, HTX nông nghiệp.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao Ban cán sự đảng Bộ NN-PTNT và các cấp, các ngành, bà con nông dân vượt qua khó khăn, vượt qua thiên tai, đóng góp chung cùng Chính phủ đạt được thành công trong phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu một số tồn tại để ngành NN-PTNT nhận thức rõ và có giải pháp khắc phục.
Đề cập nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh ngành cần biến nguy cơ thành thời cơ. Nguy cơ là thời tiết cực đoan nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi. Thời cơ lớn là thị trường đang mở rộng với các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP. Cho nên, chúng ta phải gỡ thể chế để ngàng nông nghiệp vươn lên. Tiếp tục tìm thị trường để ổn định đầu ra trước khi sản xuất. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng đề nghị ngành bảo đảm tốc độ tăng trưởng đề ra, nhất là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 44 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%… phải tạo nguồn lực mới trong xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025 có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thủ tướng cần tận dụng lợi thế các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản; tích cực phát động và triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh, tương đương 5 triệu ha rừng; trong đó chuẩn bị kỹ từ giống và chính sách. Bộ phải đón bắt thời cơ, các tỉnh phải phát động phong trào này.
Thủ tướng đề nghị Bộ phải có cơ chế, chính sách, tín dụng, chính sách, thị trường để có nền nông nghiệp hữu cơ xanh sạch, tiếp tục nâng cao chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp; ngành thuỷ sản phải chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng biển là chính. Các địa phương phải có trách nhiệm trong quản lý bằng công nghệ, giáo dục tư tưởng cho ngư dân để không vi phạm “thẻ vàng” của EU trong đánh bắt hải sản. Cần tập trung thực hiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, chủ động thích ứng thiên tai; cần bố trí vốn đầu tư công trung hạn theo kế hoạch để đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải kiên định quan điểm quan tâm, coi trọng nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các địa phương phải thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm an toàn mùa bão lũ. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng mạnh công nghệ số, công nghệ thông tin, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, nâng cao chuỗi giá trị; áp dụng thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp số. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX; khuyến khích mạnh các DN lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Nhấn mạnh cần coi trọng mở rộng thị trường xuất khẩu, nhưng Thủ tướng yêu cầu ngành phải chú trọng hơn nữa thị trường trong nước, đẩy mạnh đưa hàng hoá từ nông thôn vào thành thị, bảo đảm an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu. Theo dõi chặt diễn biến thiên tai để có giải pháp ứng phó thích hợp; huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó thiên tai, cứu hộ kịp thời. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới 5 năm tới. Yêu cầu các bộ ngành, nhất là Bộ NN-PTNT tạo mọi kiện thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ. Thủ tướng tin tưởng nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa, đời sống nông dân được cải thiện rõ nét. Thủ tướng cũng lưu ý ngành NN-PTNT phải bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu; đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải quản lý chặt chẽ, không để tình trạng chặt phá, tiêu thụ cây rừng như đào rừng về làm trang trí Tết.