BVR&MT – Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhà ở 2014 vẫn chưa thông nhất, đồng bộ, liên thông với quy định hiện hành, nên thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại vẫn còn “ách tắc”.
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, việc không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải đất ở làm dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại vào khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 là chưa đảm bảo tính logic, thống nhất, đồng bộ, liên thông với các quy định pháp luật hiện hành, nên vẫn gây ra khó khăn cho nhiều dự án nhà ở thương mại. Bởi vì, doanh nghiệp không thể tự mình đi thu gom đất nông nghiệp quy mô lớn để thâu tóm đất đai làm dự án nhà ở thương mại nếu chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trên cơ sở những vướng mắc, khó khăn nêu trên, HoREA đã đề xuất Chính phủ bổ sung trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Đề xuất này không phải là mở rộng diện giao đất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu để làm dự án nhà ở thương mại.
Đại diện HoREA lý giải, do những năm qua căn cứ theo khoản 1 Điều 169, khoản 2 Điều 191, khoản 1 Điều 193 Luật Đất đai 2013 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong đó có quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác hoặc đất khác không phải đất ở, bao gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, đối với lo ngại xảy ra tình trạng thất thoát ngân sách, tài sản công của Nhà nước khi giao đất cho doanh nghiệp mà không qua đấu giá, đấu thầu, thì căn cứ theo Điều 112, 114 Luật Đất đai năm 2013, việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan Nhà nước.
Lựa chọn áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp để định giá, xác định tiền sử dụng, tiền thuê đất dự án đầu tư BĐS, nhà ở phải được Hội đồng thẩm định giá thẩm định, trình UBND cấp tỉnh ban hành quyết định giá đất. Vì vậy, vấn đề này hoàn toàn nằm trong tay cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp không có thẩm quyền tham gia.
“Ngay cả trường hợp thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, nếu cơ quan Nhà nước không tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả cũng sẽ dẫn đến làm thất thoát ngân sách, tài sản công là nguồn lực đất đai, nếu để xảy ra tình trạng đấu giá, đấu thầu “quân xanh – quân đỏ”, lợi dụng nhằm trục lợi bất chính, cho thành phần ngoài xã hội can thiệp làm sai lệch kết quả đấu giá, đấu thầu” – Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhìn nhận.
Theo số liệu thống kê, chỉ riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có hơn 200 dự án nhà ở thương mại bị ”ách tắc” bởi quy định chưa phù hợp. Cho nên, nhiều chuyên gia cũng như doanh nghiệp đánh giá, việc tháo gỡ một số nút thắt trong quy định của luật hiện hành sẽ tạo điều kiện tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản. Cùng với đó, hạn chế được những cơn “sốt” giá nhà đất, đưa thị trường vào hoạt động bình ổn hơn.