BVR&MT – Vừa qua, tại Hà Nội, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Quỹ Trung ương) tổ chức hội nghị sơ kết 7 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 5 tháng cuối năm 2022 dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Trung ương chủ trì hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự trực tiếp của Ban điều hành Quỹ Trung ương cùng với đại diện một số lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cán bộ của các Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng địa phương tại 42 điểm cầu trực tuyến.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong 7 tháng đầu năm, đồng thời tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu kế hoạch trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo, trong 7 tháng qua, Quỹ Trung ương đã phối hợp tham mưu cho Tổng cục Lâm nghiệp nhiều nội dung văn bản quy phạm pháp luật cũng như chỉ đạo điều hành, như dự thảo Nghị định của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (Nghị định ERPA), dự thảo nội dung DVMTR, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định số 156). Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình thực tiễn địa phương, truyền thông, hợp tác quốc tế luôn được quan tâm, diễn ra thường xuyên, góp phần thúc đẩy hiệu quả chính sách.
Với 1.371 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR được ký kết, thu tiền DVMTR trên cả nước đạt hơn 2.215 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do sản lượng điện của các nhà máy thủy điện tăng. Trong đó, nguồn thu từ thủy điện là chủ yếu, hơn 2.113 tỷ đồng, chiếm hơn 95% tổng thu.
Năm 2021, diện tích rừng được hưởng tiền DVMTR là 7,28 triệu ha, chiếm 49,6% tổng diện tích rừng toàn quốc. Hơn 2.726 tỷ đồng tiền DVMTR đã được chi trả cho 2.270 chủ rừng là tổ chức, UBND xã, tổ chức khác được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và 251.244 chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, thôn bản, nhóm hộ chủ yếu qua hình thức tài khoản ngân hàng, giao dịch điện tử và bưu chính, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả. Tiền DVMTR đã góp phần hỗ trợ cho chủ rừng có kinh phí cho quản lý, bảo vệ rừng; giúp các công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng có nguồn tài chính duy trì hoạt động trong bối cảnh dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên và góp phần nâng cao đời sống, sinh kế cho người dân miền núi sống phụ thuộc vào rừng.
Tại hội nghị, 14 ý kiến tham luận từ các điểm cầu địa phương đã chia sẻ một số những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, như tiềm năng DVMTR chưa được khai thác hết do còn thiếu những quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về du lịch sinh thái, cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Giám đốc Quỹ Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, đặc biệt về tiến độ thu, chi tiền DVMTR cơ bản đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt ngày càng được mở rộng, việc chậm nộp tiền DVMTR đã giảm đáng kể cho thấy ý thức thực hiện chính sách của các đơn vị sử dụng DVMTR được nâng cao rõ rệt… Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ cần chú trọng trong 5 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu, như: Quỹ Trung ương tập trung tham mưu xây dựng sửa đổi, bổ sung nội dung DVMTR trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156, đặc biệt về DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng nhằm khai thác tiềm năng, góp phần đa dạng hóa nguồn thu DVMTR; hệ thống Quỹ tiếp tục đôn đốc, nghiêm túc thực hiện thu đúng, thu đủ tiền DVMTR, chi đúng, chi đủ, chi kịp thời cho bên cung ứng DVMTR; thường xuyên tổ chức trao đổi nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật thông tin, báo cáo trong hệ thống Quỹ qua hình thức trực tuyến tiết kiệm, hiệu quả.