BVR&MT – Gương mặt sáng, toát lên sự thông minh, giao tiếp tốt, thành thạo tiếng Nhật, với tác phong làm việc nhanh nhẹn, quyết đoán – đó là Hoàng Seo Chẩn, người dân tộc H’Mông, được lớp trẻ ở vùng cao Bản Mế (Si Ma Cai, Lào Cai) xưng gọi là “thủ lĩnh” của thanh niên ở nơi núi đá thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ.
Học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng từ xuất khẩu lao động
Cuối tháng 3 này, chúng tôi vượt dốc cao, mây mù ẩm ướt lên vùng cao Bản Mế, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) gặp Hoàng Seo Chẩn, Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Mế.
Vừa tiếp chuyện ngay tại vườn ươm cây giống quế, Chẩn vừa gọi điện thoại đi các nơi nhận số lượng cây, địa chỉ cụ thể từng khách hàng, để điều hành nhân công bốc xếp quế giống lên xe đưa đến tận nương đồi cho người mua; anh liên tục nhắc mọi người xếp cây giống cẩn thận, theo đúng kỹ thuật để tránh bị vỡ bầu, dập cây, bảo đảm tỷ lệ sống cao nhất cho khách.
“Ba năm xung phong đi xuất khẩu lao động theo chương trình việc làm của huyện và ngành LĐ-TB-XH tỉnh, tôi làm nghề hàn công nghiệp ở những nhà máy sản xuất ô-tô, máy bay lớn của các công ty Nhật Bản nên rèn được tính kiên trì, chính xác và học hỏi được rất nhiều điều bổ ích, nhất là tính kỷ luật và cung cách quản lý, phân công lao động, điều hành sản xuất của họ”, Chẩn tâm sự.
Năm 2014, hết hạn lao động về nước, anh tiếp tục đầu quân vào một công ty Nhật ở tỉnh Bắc Ninh với mức lương 12 triệu đồng/tháng; hai năm sau, lại chuyển về Hà Nội làm nhiệm vụ dạy tiếng Nhật ở một trung tâm ngoại ngữ với mức lương 16 triệu đồng/tháng.
“Tôi đi làm thêm và dạy tiếng Nhật ở Thủ đô để có dịp làm quen với môi trường đô thị, nâng cao giao tiếp xã hội và kiếm thêm tiền, tích lũy thêm lưng vốn để thực hiện ước mơ khởi nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cao hơn, làm giàu cho bản thân và gia đình, anh em ở vùng quê “đá nhiều hơn đất” của mình”, Hoàng bộc bạch.
Quê Chẩn ở thôn Na Pá, xã biên giới Bản Mế, huyện nghèo Si Ma Cai, đang được hưởng chính sách hỗ trợ theo Chương trình 30a của Chính phủ. Núi cao, khe sâu, đường giao thông khó khăn, thiếu nước lại hay gặp thiên tai khắc nghiệt, sản xuất chủ yếu là trồng ngô bám theo núi đá và chăn nuôi nhỏ nên đời sống của bà con dân tộc Nùng, H’Mông, Thu Lao nơi đây còn nhiều khó khăn, vất vả. Cũng vì thế, rất nhiều thanh niên “dứt áo ra đi” qua biên giới làm thuê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, xáo trộn an ninh trật tự ở địa phương vùng biên.
“Trải qua nhiều môi trường lao động, học hỏi được kiến thức và kỹ năng lao động, tôi nung nấu ý định khởi nghiệp, nhưng nói thật cũng còn phân vân, chưa biết bắt đầu từ đâu, ở lĩnh vực nào, cho đến một lần cùng nhóm bạn thanh niên đi thăm vùng đất Tam Kỳ (Quảng Nam), tôi đã tìm ra hướng đi cho mình…”, Chẩn chia sẻ.
Về quê ươm cây giống trồng rừng
Lần đi thăm thành phố Tam Kỳ, đi ra vùng ngoại ô, Chẩn bị ngợp trước bạt ngàn màu xanh của rừng cây trồng các loại như quế, keo, mỡ, mỡ, bạch đàn…, và những căn nhà xây của nông dân vùng núi ở đây, cũng đồi núi giống như quê anh nhưng người dân có cuộc sống khá giả từ trồng rừng và bán gỗ nguyên liệu. Trong khi đó, ở Si Ma Cai đất trống đồi trọc nhiều vô kể, bà con chỉ trồng ngô, năng suất và thị trường bấp bênh, giá trị thấp, hiệu quả kinh tế không cao.
Nghĩ chín rồi là làm ngay, Chẩn thôi dạy tiếng Nhật ở Hà Nội, trở về quê Bản Mế khởi nghiệp bằng cách lập đề án, làm đơn đề nghị huyện và ngành chức năng giúp thành lập HTX nông nghiệp Bản Mế, từ vốn liếng tích lũy được và kêu gọi người thân, bạn bè góp đất, góp nhân công và chung cổ phần HTX. Bố mẹ và các anh em trong nhà lúc đầu cũng lo, không đồng ý, bởi thấy con trai “quẳng” hết tiền tích cóp được trong bao năm lăn lộn xứ người để làm cái việc “lạ đời”, chưa từng có ở đây, là ươm cây giống và trồng rừng, biết bán cho ai và đến bao giờ mới được gỗ mà bán? Lấy cái gì ăn trong lúc đợi cây rừng?…
Kiên trì thuyết phục, chàng thanh niên “ngang bướng” cuối cùng đã được gia đình ủng hộ, vui như được tiếp thêm sinh lực. Chẩn “cơm nắm chân đất” lặn lội về vùng sâu Nậm Đét mua hạt và học cách ươm cây giống quế bao đời của người Dao ở đây, đã làm nên thương hiệu quế Nậm Đét nổi tiếng của Lào Cai, được cấp chứng chỉ OCOP loại ba sao, xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Quốc.
Thành lập HTX từ năm 2017, đến nay Chẩn đã có trong tay hai vườn ươm quế giống, với năng lực sản xuất khoảng 20 vạn cây/năm, tổng cộng anh đã cung ứng đến tận tay người dân hơn 40 vạn cây quế giống và hàng chục vạn giống cây khác như trẩu, sưa đỏ…
Cây quế giống của Chẩn “chiếm lĩnh” được người dân các xã vùng cao, vùng sâu trong huyện nhà và lan dần sang các huyện vùng cao, biến giới khác như Bắc Hà, Mường Khương…, bởi tỷ lệ sống rất cao, cây sinh trưởng nhanh, chỉ sau trồng khoảng 3-4 tháng đã lên nõn và lá mới, trong khi cây giống cùng loại mua ở nơi khác đem về trồng tỷ lệ sống đạt thấp, phải sau 6-9 tháng mới hồi phục, mọc nõn, cây còi cọc, hay bị bệnh vàng lá.
“Bí quyết nào để cây giống của HTX Bản Mế chất lượng tốt, tỷ lệ sống cao, phát triển nhanh trên vùng núi đá, khí hậu khắc nghiệt này?”, tôi hỏi.
Không ngần ngại, Chẩn trả lời ngay: “Đơn giản thôi, cây giống mua ở nơi khác mang về vùng núi đá, rét lạnh của Si Ma Cai trồng thì làm sao tốt bằng cây giống ươm ngay tại chỗ, vì nó đã được “rèn luyện” thích nghi với môi trường sống từ khi mới nở hạt thành cây. Vả lại, chúng tôi chọn hạt giống rất kỹ, sạch bệnh để gieo ươm trong bầu đất cũng được chọn lựa kỹ, đào sâu, không lấy đất mặt và sàng mịn, sạch hết rác rễ, bào tử nấm bệnh. Vì thế, cây khỏe, sạch bệnh, tỷ lệ sống cao và lớn nhanh, được bà con tin dùng”.
Hiện tại, HTX nông nghiệp Bản Mế do chàng trai người H’Mông Hoàng Seo Chẩn làm giám đốc thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho tám lao động trẻ và hợp đồng theo thời vụ với khoảng 40 lao động, đa số là thanh niên và phụ nữ ở trong vùng, với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Chẩn còn giúp đỡ nhiều thanh niên khác và các hộ gia đình trong xã Bản Mế giống cây trả chậm không tính lãi, hướng dẫn kỹ thuật miễn phí, để mọi người hăng hái trồng rừng, chuyển đổi trông ngô sang trồng quế, nhằm tạo nguồn thu ổn định và cao hơn.
Nghe Chẩn nói chuyện, tôi thêm cảm phục chàng trai dân tộc này đã không quản ngại đi xe máy lên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, xin phép được phối hợp các trường học có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền hướng nghiệp, việc làm, khởi nghiệp – đó thực sự là nhiệt huyết của tuổi trẻ và tấm lòng của người con yêu quí, gắn bó với đất đai, rừng núi quê hương.
Bí thư Đoàn xã Bản Mế Lèng Văn Sài cho biết thêm, từ tấm gương dám nghĩ, dám làm, quyết vượt lên nghèo khó, khởi nghiệp ngay tại quê hương đã thổi luồng khí mới trong hơn 150 đoàn viên, thanh niên địa phương tích cực phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập từ trồng rừng, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, điển hình như các đoàn viên: Ngô Văn Nùng, Thèn Văn Thu, Lùng Văn Nam…
Năm 2020, Hoàng Seo Chẩn được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Đình Của cho nhà nông trẻ xuất sắc của tỉnh Lào Cai, xứng đáng là “cánh chim đầu đàn” của thanh niên nơi thượng nguồn sông Chảy hùng vĩ.
Nắng đã hửng vàng trên các triền núi lởm chởm đá xám xen lẫn màu xanh của quế, trẩu mới được trồng năm ngoái, cây đã cao ngang ngực người lớn, xòe tán lá xanh mướt đón nắng. Trong vườn ươm, Hoàng Seo Chẩn vẫn miệt mài với công việc, luôn tay bốc những túi ni-lông lớn, bó gọn những cây giống quế một năm tuổi xanh tốt, mập mạp đưa lên xe, chuyển đến phủ xanh những quả đồi còn trống ở quê hương Si Ma Cai thân yêu.