BVR&MT – Người ta đi xuất khẩu lao động gửi tiền về cho người thân, còn với vợ chồng anh chị Quý Cuối thì suốt 8 năm đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan (Trung Quốc) anh chị gửi về từng kiện bạt nilon, dây buộc, khung sắt… với mong muốn thực hiện ước mơ sở hữu trang trại rau sạch cho riêng mình.
Chặng đường gian nan
Trên đường đến tham quan khu trồng rau hữu cơ áp dụng công nghệ cao của vợ chồng anh Quý, chị Cuối ở xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng (Hà Nội) chúng tôi được nghe lãnh đạo Hội Nông dân TP Hà Nội kể rất nhiều về đôi vợ chồng đặc biệt này. Từng đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan hàng chục năm trời, vợ chồng anh Nguyễn Đăng Quý và chị Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng bị cây rau sạch làm “mê hoặc”, để rồi khi trở về nơi chôn nhau cắt rốn, anh chị đã xây dựng một hệ thống trồng rau sạch cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Lập gia đình kinh tế khó khăn, năm 2000 chị Cuối đi xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc). Tại đây, chị vào làm việc ở các trang trại trồng rau sạch và choáng ngợp bởi thu nhập “khủng” từ trồng rau sạch của người bản địa.
Chị Cuối chia sẻ: “Họ chỉ có hơn 1ha đất vườn, nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học và đầu tư công nghệ cao vào trồng rau theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh đã mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Nó khác xa so với những gì tôi vẫn nghĩ về cây rau. Ngoài trình độ sản xuất cao, tôi còn bị “mê hoặc” bởi yếu tố chất lượng, môi trường và ý nghĩa của việc trồng rau sạch. Điều này đã hun đúc trong tôi ước muốn trồng rau sạch trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Sau khi trở về, chị trao đổi với chồng về công nghệ hiện đại và thu nhập “khủng” từ việc trồng rau ở Đài Loan. “Lúc ấy chồng tôi không tin bảo ở Việt Nam, anh ấy chưa thấy ai giàu lên từ trồng rau cả. Sau khi thuyết phục được chồng đòng ý, chúng tôi đã gửi con cho ông bà hai bên cùng sang Đài Loan vừa làm, vừa học trồng rau sạch”. Chị Cuối tâm sự.
Sang đó, anh Quý mới tin lời vợ nói là thật. Anh thực sự ấn tượng với các trang trại trồng rau công nghệ cao ở Đài Loan. Rau được trồng trong nhà kính, được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và tưới phun hiện đại. Đặc biệt, các trang trại rau ở đó tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình trong sản xuất thực phẩm sạch.
Vốn ham học hỏi, anh Quý rất hay trò chuyện với các chủ trang trại về làm nông nghiệp. Dần dần niềm đam mê làm nông nghiệp sạch cũng ngấm vào người anh. Trong suốt 8 năm lao động vất vả cũng là những năm anh chị nỗ lực thực hiện ước mơ sở hữu trang trại rau sạch cho riêng mình.
Người ta đi xuất khẩu lao động gửi tiền về cho người thân, còn với vợ chồng anh Quý chị Cuối thì suốt 8 năm đi lao động xuất khẩu ở Đài Loan anh chị gửi về từng kiện bạt nilon, dây buộc, khung sắt…để thực hiện ước mơ sở hữu trang trại rau sạch cho riêng mình.
Đầu năm 2017, anh chị trở về quê hương và bắt tay vào trồng rau sạch. Ban đầu, anh chị cũng đi nhiều tỉnh thành lân cận để tìm đất xây dựng trang trại nhưng không thành, cuối cùng anh chị quyết định về Đan Phượng để phát triển mô hình trồng rau sạch.
Anh Quý chia sẻ: Ban đầu họ hàng nội ngoại cũng can ngăn vợ chồng anh bởi ai cũng cho rằng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng ít ai hiểu rằng, để đi đến quyết định này vợ chồng anh đã phải trăn trở rất nhiều.
Tháng 7/2017, được Dịch vụ nông nghiệp xã HTX Đan Phượng hỗ trợ thuê hơn 4 ha đất của 52 hộ dân, mô hình trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của anh chị Quý Cuối chính thức đi vào hoạt động.
Vợ chồng Cuối Quý vừa thuê máy làm đất, giải phóng mặt bằng, dựng một căn nhà nhỏ, quyết tâm bám trụ. Sau 1 tháng, từ làm đất, chọn giống đến gieo hạt, tưới rau… những mầm xanh đầu tiên đã nhú lên ngay trên mảnh đất vốn ngổn ngang đá sỏi. Công việc cứ thế kéo từ ngày này qua ngày khác, vất vả cũng vì thế nhân lên gấp bội. May mắn, mô hình trồng rau của anh chị được UBND huyện Đan Phượng ủng hộ và hỗ trợ làm đường giao thông nội đồng, nhà sơ chế, một số quy trình kỹ thuật và tem, nhãn truy xuất nguồn gốc.
Thu cả trăm triệu mỗi ngày từ rau sạch
Dẫn chúng tôi thăm khu nhà lưới rộng 4.000m2 với những luống rau ngay ngắn, tươi xanh, chị Cuối phấn khởi cho biết: Tất cả các thiết bị trong nhà lưới này đều được vận chuyển từ Đài Loan về, kể cả giống rau cũng được nhập. Hệ thống tưới phun để điều tiết nhiệt độ, tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước. Hoạt động trồng rau tuân theo một quy trình khép kín nên cũng khá đơn giản. Theo chị Cuối, khi nắm vững lịch thời vụ sẽ giúp cho hoạt động cung ứng rau ra thị trường luôn được duy trì ổn định.
Gần với khu nhà lưới, vợ chồng chị cũng đã đầu tư một hệ thống sau thu hoạch rất hiện đại. Mỗi ngày, khoảng 3 – 4 tấn rau được tập trung về khu vực chế biến để phân loại, rửa sạch và đóng gói cẩn thận. Trên bao gói có đầy đủ các thông tin cần thiết để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Với giá dao động từ 20.000 – 30.000 đồng/kg.
Chị Cuối bảo, những ngày đầu khi rau thu hoạch được cũng là lúc gian nan nhất vì rau bán không ai mua. “Tôi phải mang từng bó rau ra chợ bán, gặp ai cũng mời chào, rồi biếu, tặng thậm chí cho không mọi người. Thấy rau tươi, ngon, an toàn dần dần mọi người mua, từ ế ẩm đến rau trồng không đủ bán”. Chị Quý tiết lộ, những tháng cao điểm vợ chồng anh chị có thu nhập cả trăm triệu đồng từ bán rau sạch.
Mô hình trồng các loại rau xanh theo mùa, trong đó, có các giống rau lạ, như: su hào hoa, bắp cải tí hon… và có liên kết tiêu thụ tại các trường học, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng rau sạch… Hiện, giá trị bình quân/ha canh tác của mô hình đạt gần 6,6 tỷ.
Chia sẻ với chúng tôi về dự định trong những năm tới, chị Cuối cho biết: Mong muốn của chị là sẽ “phủ sóng” rau sạch đến mọi nhà, để ai ai cũng được sử dụng những thực phẩm sạch. Để làm được điều ấy, hiện anh chị đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau. Dự kiến từ năm 2018 trở đi, mỗi năm anh chị phát triển thêm ít nhất 1 ha rau sạch; đồng thời, mở rộng thị trường tiêu thụ đến tất cả các trường học.
Đánh giá về mô hình trồng rau sạch của anh chị Quý Cuối, đồng chí Trịnh Thế Khiết – Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội khẳng định, mô hình trồng rau hữu cơ theo công nghệ cao của anh chị Quý Cuối bước đầu đã khẳng định tính hiệu quả. Sản phẩm được thị trường chấp nhận, nhất là những thị trường yêu cầu cao như các bếp ăn tập thể. Vì thế, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Đan Phượng tiến hành tìm hiểu, khảo sát, đánh giá thực tế, từ đó sẽ có các bước hỗ trợ nhân rộng mô hình này.