BVR&MT – Nếu dần thay thế 20% thịt bò và thịt cừu tiêu thụ trên toàn cầu bằng thịt nhân tạo, lượng khí thải CO2 trong nông nghiệp và nạn phá rừng sẽ giảm 50% vào năm 2050. Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày 4/5 trên tạp chí Nature.
Nghiên cứu nêu rõ, đặt trong so sánh với xu hướng gia tăng dân số và nhu cầu, nếu sử dụng thịt nhân tạo làm từ protein thay cho 50% lượng thịt đỏ tiêu thụ sẽ giúp giảm tới 80% số cây bị chặt và lượng khí CO2 thải ra môi trường.
Chuyên gia Florian Humpenoder thuộc Viện Nghiên cứu tác động Khí hậu Potsdam, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Chỉ cần thay đổi tương đối nhỏ trong thói quen tiêu thụ thịt, chúng ta có thể giúp giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động phá rừng nhiệt đới. Điều này sẽ đóng góp quan trọng cho nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác”.
Theo ủy ban tư vấn về khoa học khí hậu của Liên hợp quốc, hệ thống thực phẩm toàn cầu thải ra gần 30% lượng khí CO2 gây ô nhiễm môi trường, trong đó chăn nuôi gia súc là “thủ phạm chính” trong ngành nông nghiệp. Hoạt động chăn nuôi khiến diện tích các khu rừng nhiệt đới, vốn có tác dụng hấp thụ khí CO2, bị thu hẹp để làm bãi chăn thả và lấy thức ăn cho gia súc. Thêm vào đó, cơ chế tiêu hóa của các loài gia súc nhai lại còn là nguồn chính thải khí methane, vốn có nguy cơ gây hiệu ứng nhà kính cao hơn 30 lần so với khí CO2 trong vòng 100 năm.
Nghiên cứu giả định rằng, các phương pháp chăn nuôi và mô hình tiêu thụ thịt hiện nay tiếp tục diễn ra trong 30 năm tới, diện tích đồng cỏ sẽ tăng thêm gần 1 triệu km2. Tuy nhiên, nếu 20% lượng thịt đỏ tiêu thụ được thay thế bằng thịt nhân tạo, diện tích đồng cỏ sẽ giảm xuống dưới mức hiện nay.
Thịt nhân tạo, hay protein lên men, đã được tung ra thị trường hàng chục năm nay nhưng chưa được sử dụng phổ biến. Theo chuyên gia Hanna Tuomisto thuộc Đại học Helsinki, người không tham gia nghiên cứu trên, tác dụng của thịt nhân tạo không chỉ dừng ở bảo vệ môi trường. Theo bà, loại thực phẩm này giàu protein và chứa tất cả các acid amin cần thiết.
Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm chính sách môi trường thuộc Đại học Hoàng gia London Tilly Collins cho rằng việc sản xuất thịt nhân tạo là biện pháp sinh học thay thế đầy hiệu quả, mở ra tiềm năng lớn về nguồn cung thực phẩm bền vững hơn. Theo bà Collins, các chính phủ và các doanh nghiệp chế biến thực phẩm cần phối hợp xây dựng tiêu chuẩn phù hợp để công chúng tin tưởng sản phẩm này.
Điều chưa chắc chắn hiện nay về thịt nhân tạo có lẽ là việc liệu những người yêu thích món thịt có sẵn sàng từ bỏ món ăn này để dùng loại thực phẩm thay thế hay không. Trong số 6 tác giả của nghiên cứu nói trên, mới có 1 người đã thử loại thực phẩm này.