BVR&MT – Tê giác một sừng Java vốn bị đe dọa bởi nạn săn bắn nay lại đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do thảm họa núi lửa và sóng thần.
Các cá thể tê giác Java còn sót lại đang sinh sống ở Vườn quốc gia Ujung Kulon, rất gần miệng núi lửa Krakatoa và vành đai lửa qua Indonesia – nơi các hoạt động địa tầng thường xảy ra gây động đất, sóng thần. Nghiên cứu xuất bản trên Conservation Letters mới đây cho hay.
Trong nghiên cứu này, nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cho biết tính đến năm 2013 thế giới chỉ còn lại 62 con tê giác một sừng Java, đây cũng là số lượng loài này ở hiện tại. Nhóm tác giả dự báo một trận sóng thần cao 10m xảy ra trong vòng 100 năm tới có thể đe dọa 80% diện tích Vườn quốc gia Ujung Kulon nơi đang nuôi dưỡng, bảo tồn số lượng tê giác một sừng lớn nhất. Đồng thời kêu gọi thiết lập các quần thể tê giác mới, tránh xa khỏi khu vực có nguy cơ thiên tai này.
Để làm được này, cần tìm kiếm các khu vực mới, thỏa thuận với các bên liên quan, đồng thời cần sự giám sát chặt chẽ của Vườn Ujung Kulon để quyết định xem các cá thể tê giác nào phù hợp cho việc tái định cư.
Ông Arnold Sitompul, Giám đốc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Indonesia cho biết: “Những gì nghiên cứu chỉ ra chính là đòn bẩy cho nỗ lực bảo vệ loài tê giác Java, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang chạy đua với thời gian”.
Ông Brian Gerber, nghiên cứu sinh Đại học bang Colorado (Mỹ), đồng tác giả nghiên cứu cho rằng khoa học đã chứng minh sự cần thiết trong việc thiết lập các quần thể tê giác mới vì mục tiêu bảo tồn chúng.
“Tê giác Java là loài động vật có vú trên cạn có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải tập trung nguồn lực chính trị và xã hội để tiến hành thiết lập thêm nhiều quần thể loài này.” – Ông Brian nói thêm.
Nghiên cứu cũng cung cấp phân tích chi tiết về số lượng tê giác Java bằng việc sử dụng bẫy ảnh. Các nhà nghiên cứu đã thu được 1.660 tấm ảnh của tê giác Java từ 178 bẫy ảnh vào năm 2013 để đưa đến ước tính con số 62 cá thể, so với năm 1937 chỉ có 25 cá thể.
Bên cạnh việc kêu gọi nhân rộng thêm các quần thể tê giác, nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn các cá thể tê giác còn lại ở Vườn quốc gia Ujung Kulon hoặc ít nhất là tăng khả năng sống sót của chúng khi gặp thảm họa thiên nhiên. Điều này bao gồm bảo vệ chặt chẽ, duy trì giám sát và tiếp tục mở rộng việc quản lý môi trường sống trong đó có việc kiểm soát cây Báng (một loại cây thuộc họ Cau) đang che phủ các tầng cây thấp và kiềm chế sự phát triển của các loài thực vật là thức ăn cho tê giác.
“Chúng tôi tự hào về những thành tựu trong quản lý để gia tăng “dân số” của loài tê giác Java. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã và đang nghiên cứu một vài khu vực để tìm nơi ở mới cho tê giác, trong khi vẫn tiếp tục tăng cường tuần tra bảo vệ và tăng diện tích sinh sống cho loài bằng việc ngăn chặn xâm phạm lãnh thổ giữa các loài khác” – Ông Ujang Mamat Rahmat, Giám đốc Vườn quốc gia Ujung Kulon chia sẻ.
Tê giác một sừng Java được xếp ở danh mục loài “cực kỳ nguy cấp” trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Loài này đã gần như biến mất từ đầu thế kỉ 19, nguyên nhân chính là do nhu cầu thái quá của con người về sừng tê giác và những bộ phận khác.
Nhóm tác giả hy vọng nghiên cứu này sẽ được sử dụng trong quá trình xây dựng lại Chiến lược bảo tồn và kế hoạch hành động cho tê giác một sừng Java vốn sẽ hết hạn vào năm nay.
Gia Quyên (Theo Science Daily)