BVR&MT – Trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm. Cùng chung xu hướng giảm giá còn có mặt hàng cà phê và tiêu. Đặc biệt là mặt hàng tiêu sau khi ghi nhận những đợt “rung lắc” mạnh, giá tiêu lại quay về mốc 70.000 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh trong tuần qua nhìn chung có xu hướng giảm nhẹ. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.400 – 6.500 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao như OM từ 6.350 – 6.700 đồng/kg, giảm 100 – 300 đồng/kg tùy loại; lúa Đài Thơm 8 từ 6.550 – 6.600 đồng/kg, giảm 200 – 300 đồng/kg; lúa Nhật vẫn giữ ổn định từ 7.500 – 7.600 đồng/kg.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng gạo tại An Giang cũng có xu hướng giảm. Cụ thể, giá gạo thường dao động ở mức từ 10.500 – 11.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg; gạo Hương Lài 18.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều loại gạo khác thì giữ ổn định như: gạo Nhật là 24.000 đồng/kg; nếp từ 13.000 – 14.000 đồng/kg; riêng gạo Jasmine từ 14.000 – 15.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua, giá lúa nhìn chung có xu hướng giảm. Giá lúa thường tại ruộng được mua cao nhất là 6.900 đồng/kg, bình quân gần 6.400 đồng/kg, giảm 257 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cũng giảm bình quân 330 đồng/kg, với mức giá cao nhất là 7.900 đồng/kg và trung bình là 7.270 đồng/kg.
Các loại gạo cũng giảm từ 250 – 400 đồng/kg tùy loại. Giá gạo 5% tấm cao nhất 11.800 đồng/kg, 15% tấm là 11.400 đồng/kg, 25% tấm là 11.750 đồng/kg.
Tại Trà Vinh, lúa tươi giống Ma Lâm 202 được thương lái mua tại ruộng có giá từ 6.600 – 7.000 đồng/kg; các giống IR 50404, OM 5451, OM 4900 từ 6.500 – 6.700 đồng/kg. Đến thời điểm này, nông dân Trà Vinh đã thu hoạch được khoảng 50% diện tích xuống giống. Theo nông dân trồng lúa chia sẻ, giá lúa thương phẩm các loại năm nay tăng hơn 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước và được xem là năm có giá lúa tăng cao kỷ lục.
Đến đầu tháng 4, nông dân thành phố Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm diện tích lúa Đông Xuân 2020-2021 với kết quả được mùa, được giá. Bình quân mỗi ha lúa, nông dân Cần Thơ lãi từ 40-50 triệu đồng, tương đương với tỷ lệ lợi nhuận đạt gần 50%.
Đến đầu tháng 4, diện tích xuống giống lúa Hè Thu trên toàn thành phố đạt 48.000 ha, đạt 66% kế hoạch. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, vụ lúa Hè Thu năm nay ở Cần Thơ không bị ảnh hưởng nặng nề của tình hình khô hạn và xâm nhập mặn, giá lúa Hè Thu tiếp tục được giữ ở mức cao. Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của bà con nông dân hiện nay là giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao sẽ làm cho chi phí sản xuất vụ này tăng cao hơn các năm.
Tại Đồng Tháp giá lúa IR 50404 dao động từ 6.500 – 6.600 đồng/kg; Đài thơm 8 giá từ 6.600 – 6.700 đồng/kg, Nàng Hoa 9 giá 6.600 đồng/kg. Vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 ở huyện Tam Nông được Tập đoàn Lộc Trời ký liên kết cung ứng vật tư nông nghiệp và liên kết tiêu thụ lúa với giá cao hơn giá thị trường 50 đồng/kg, riêng giống lúa Jasmine 85 mua cao hơn 200 đến 300 đồng/kg.
Đặc biệt, đối với lúa giống, lúa nếp bán cho Tập đoàn Lộc Trời với giá dao động 6.550 – 6.700 đồng/kg. Lúa sạ hàng được Tập đoàn Lộc Trời hỗ trợ thêm 650 đồng/kg; còn lúa cấy thưa được hỗ trợ từ 900 – 1.000 đồng/kg. Nhờ liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, lúa bán có giá hơn, lợi nhuận từ 30 – 35 triệu đồng/ha.
Theo Diễn đàn của người làm cà phê, giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua chứng kiến sự giảm khá mạnh và đã mất mốc 32.000 đồng/kg. Giá cà phê ngày 3/4 dao động ở mức 31.200 – 32.700 đồng/kg, giảm 700 – 800 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá cà phê thấp nhất tại Lâm Đồng là 31.200 đồng. Còn các địa phương khác như: Gia Lai, Đắk Nông có giá là 31.900 đồng/kg; tại Đắk Lắk có giá cao nhất là 32.000 đồng/kg.
Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.380 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.
Theo Tintaynguyen, giá tiêu ngày 3/4 trong khoảng 70.000 – 74.000 đồng/kg, giảm 1.500 – 2.000 đồng/kg.
Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa – Vũng Tàu là 74.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 72.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai giá tiêu ở mức thấp nhất là 70.000 đồng/kg.
Theo ông Hoàng Phước Bính – Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), giá hồ tiêu trong những ngày qua đang bước vào chu kỳ “rung lắc”. Giá tăng là điều rất đáng mừng, nhưng sự tăng nhanh và đột ngột đã gây ra nhiều xáo trộn. Qua nắm bắt tình hình cho thấy, đa số nông dân giữ hàng lại không bán. Còn các đại lý thì gom hàng bán chủ yếu cho nhà đầu cơ, chứ không bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, các nhà xuất khẩu không mua được hàng để đáp ứng cho các hợp đồng xuất ngay hoặc trả nợ các hợp đồng đã ký trước đó. Sự thiếu hụt sản lượng là nguyên nhân đẩy giá hồ tiêu tăng cao.
Dự đoán về giá tiêu tháng 4/2021, ông Nguyễn Tấn Hiên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định có thể thay đổi. Nhiều tin đồn cho rằng năm nay cung sẽ thiếu hụt so với nhu cầu do sản lượng giảm. Tuy nhiên, nhìn chung cung vẫn cao hơn so với nhu cầu. Nhu cầu hồ tiêu của thế giới hiện nay khoảng 500.000 tấn trong khi đó nguồn cung năm 2021 cộng thêm tồn kho của những năm trước khoảng 600.000 tấn.
Thị trường thế giới
Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đều giảm trong phiên ngày 1/4, dẫn đầu là giá đậu tương.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 5/2021 giảm 4,5 xu Mỹ (0,8%) xuống 5,5975 USD/bushel, giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 7 xu Mỹ (1,13%) xuống 6,11 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 5/2021 giảm nhiều nhất, 34,75 xu Mỹ (2,42%) xuống 14,02 USD/bushel.
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho hay hoạt động bán ra chốt lời đã diễn ra trước ba ngày nghỉ cuối tuần do thiếu vắng những thông tin làm tác động lên thị trường.
Doanh số xuất khẩu ngô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 25/3 là 31 triệu bushel, giảm mạnh so với mức 174 triệu bushel của tuần trước. Tổng lượng ngô Mỹ xuất khẩu hiện ở mức 2.588 triệu bushel, thấp hơn 12 triệu bushel so với dự báo hàng năm của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Trong khi đó, lúa mỳ xuất khẩu của Mỹ đạt 9 triệu bushel trong cùng tuần trên, giảm so với mức 13 triệu bushel trong tuần trước, còn doanh số bán đậu tương Mỹ đạt 4 triệu bushel, không đổi so với tuần trước.
AgResource lưu ý rằng lượng nông sản xuất khẩu của Mỹ chậm lại nhanh chóng cho thấy sự cạnh tranh dữ dội từ nông sản Brazil, khi mức chào giá FOB của Brazil thấp hơn mức báo giá của Mỹ.
Về thị trường gạo châu Á, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam hạ giá để cạnh tranh với Ấn Độ và Thái Lan. Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đã hạ giá bán trong tuần này để cạnh tranh với các “vựa lúa” của châu Á là Ấn Độ và Thái Lan. Trong khi đó, Bangladesh đẩy mạnh nhập khẩu để “lấp đầy” các kho dự trữ trong nước.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 505-510 USD/tấn trong phiên ngày 1/4 so với mức đỉnh của hơn 9 năm là 515-520 USD tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, các nhà xuất khẩu đã phải hạ giá chào bán sau khi giá gạo Thái Lan và Ấn Độ giảm. Theo thương nhân này, các nhà nhập khẩu đang tìm mua gạo 5% tấm của Ấn Độ, trong khi vẫn mua gạo thơm của Việt Nam.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 393-398 USD/tấn, giảm so với mức 398-403 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết, giá đã được điều chỉnh do đồng rupee Ấn Độ giảm, và cho biết thêm rằng “nhu cầu phần lớn vẫn ổn định.”
Tại quốc gia láng giềng Bangladesh, các quan chức cho biết các kho dự trữ vẫn ở mức thấp bất chấp những nỗ lực nhập khẩu nhiều ngũ cốc hơn gần đây. Bangladesh đã mua 50.000 tấn gạo từ một công ty Ấn Độ thông qua một cuộc đấu thầu quốc tế.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn tháng là 488-500 USD/tấn so với mức 500-518 USD/tấn trong tuần trước.
Các nhà giao dịch có trụ sở tại Bangkok cho biết việc giá gạo giảm chủ yếu do tỷ giá hối đoái và giá trong nước giảm. Đồng baht Thái Lan đã giảm 3,5% so với đồng USD kể từ đầu tháng 3/2021.
Giá gạo trong nước giảm do các nhà xay xát đang gặp khó khăn trong việc bán cho các thương nhân và nhà xuất khẩu, những người gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng ở nước ngoài với mức giá cao hơn gần đây.
Về thị trường cà phê thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta giao tháng 5/2021 tại London giảm 17 USD/tấn xuống 1.325 USD/tấn, còn giá cà phê Arabica giao tháng 5/2021 trên sàn New York ở Mỹ giảm 1,9 xu Mỹ/pound xuống 121,6 xu/pound.
Theo thông tin từ Cục Xuất Nhập khẩu, trước khi Lễ Phục Sinh diễn ra, người trồng cà phê tại Brazil đã tăng cường bán ra sản phẩm của mình.
Dự báo giá cà phê sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới do lo ngại nhu cầu yếu đi và tiêu thụ giảm sút, khi những nước tiêu thụ cà phê lớn như Đức và Pháp đều áp dụng lệnh giãn cách xã hội.
Giá cà phê Việt Nam ngày 3/4 giao dịch trong khoảng 31.200 – 32.100 đồng/kg. Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính xuất khẩu cà phê trong tháng 3/2021 ở mức 145.000 tấn, giảm 21,10% so với cùng kỳ năm trước.