BVR&MT – Mặc dù có sự quay đầu giảm giá so với mức đỉnh của ngày 19/3, nhưng mức giá hồ tiêu vẫn tăng 3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Trong tuần qua, mặt hàng tiêu tiếp tục ghi dấu ấn với việc tăng giá mạnh, thậm chí có thời điểm gần chạm mức 80.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gạo lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhìn chung có sự phục hồi và mặt hàng cà phê giảm nhẹ.
Thị trường trong nước
Về mặt hàng tiêu, thị trường vẫn tiếp tục giữ được sức “nóng” với mức tăng khá. Giá tiêu tăng thậm chí đã tiến sát gần mốc 80.000 đồng/kg vào ngày 19/3.
Theo Tintaynguyen, giá tiêu ngày 20/3, trong khoảng 72.000-75.500 đồng/kg. Mặc dù có sự quay đầu giảm giá so với mức đỉnh của ngày 19/3, nhưng mức giá này vẫn tăng 3.000 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa-Vũng Tàu là 75.500 đồng/kg. Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu được thu mua với mức 73.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu ở mức thấp nhất là 72.000 đồng/kg.
Thời gian gần đây, giá tiêu tăng mạnh cao hơn 60% so với cách đây khoảng một tháng. Nếu so với cùng thời điểm này năm trước, giá hạt tiêu đã tăng gấp 2 lần.
Giá tiêu tăng mạnh từng ngày và người trồng tiêu hưởng lợi, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp khó khăn nếu đã ký hợp đồng trước đó hoặc lo mất khách hàng vì giá quá cao.
Theo nhiều người dân trồng hồ tiêu, mức giá hiện nay đã cao hơn giá thành sản xuất, giúp người dân có lãi nhưng không nhiều. Với giá tiêu tăng cao, người dân rất vui mừng nhưng vẫn lo lắng vì mấy năm nay giá tiêu thiếu ổn định, thường giảm nhiều hơn tăng.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định do nhu cầu chế biến và tiêu thụ hồ tiêu tại một số thị trường như châu Âu, Mỹ, Ấn Độ có xu hướng tăng, trong khi thị trường trong nước đang được các giới đầu cơ thu mua mạnh khiến giá hồ tiêu tăng “nóng” từ tháng 2/2021 trở lại đây.
Còn theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhu cầu thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh, trong khi người dân hạn chế bán ra khiến giá hạt tiêu tăng. Hiện nay là thời điểm các doanh nghiệp phải xuất hàng cho các hợp đồng đã ký nên gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá hồ tiêu lên cao.
Giới chuyên gia dự báo, nếu giữ được mốc này trong tuần tới, giá tiêu có cơ hội phục hồi mạnh mẽ để bước vào chu kỳ tăng mới.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.435 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.
Thị trường tiếp tục kỳ vọng sức tiêu thụ cà phê sẽ tăng trở lại khi việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ngày càng mở rộng trên thế giới và các hoạt động xã hội sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cà phê không chỉ riêng tại nhà.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh trong tuần qua nhìn chung có xu hướng tăng giảm tùy loại.
Giá lúa tươi thường dao động từ 6.500-6.700 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg.
Một số loại lúa chất lượng cao như OM lại giảm nhẹ 100 đồng/kg từ 6.650-6.800 đồng/kg; lúa Nhật vẫn giữ ổn định từ 7.500-7.600 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 từ 6.600-6.750 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang cũng có sự tăng giảm tùy loại. Giá gạo thường dao động ở mức 11.000-11.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg; gạo Hương Lài 20.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Trong khi đó, nhiều loại gạo khác nhìn chung có xu hướng ổn định như: gạo Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 -14.000 đồng/kg, tấm thường 12.500 đồng/kg, tấm thơm 13.500 đồng/kg.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết trong tuần qua, nhìn chung giá lúa gạo có xu hướng tăng nhẹ.
Giá lúa thường cao nhất tại ruộng là 6.800 đồng/kg, giá bình quân chỉ 6.614 đồng/kg, tăng gần 200 đồng/kg so với tuần trước.
Giá lúa thường tại kho cao nhất là 7.900 đồng/kg, bình quân là 7.560 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Cùng với đó, giá các loại gạo cũng tăng nhẹ. Gạo lứt loại 1 tăng 255 đồng/kg, cao nhất ở mức 9.800 đồng/kg, còn trung bình là 9.670 đồng/kg. Gạo 5% tấm cao nhất ở mức 11.850 đồng/kg, còn trung bình là 11.336 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/3, Việt Nam đã xuất khẩu được 858.605 tấn gạo, trị giá 470,3 triệu USD. Các tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu gạo luôn giữ vững ở mức trên 500 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và là mức cao hơn so với năm 2020.
Thị trường thế giới
Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 19/3, trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn giá lúa mỳ giảm.
Khép lại phiên này, giá ngô giao tháng 5/2021 tăng 11,25 xu Mỹ (2,06%) lên 5,5775 USD/bushel nhờ các đơn đặt hàng từ Trung Quốc, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 24 xu Mỹ (1,72%) lên 14,1625 USD/bushel và “theo chân” đà tăng của ngô do nguồn cung trong nước thắt chặt lại.
Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 5/2021 giảm 3,5 xu Mỹ (0,56%) xuống 6,27 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago dự kiến mức kháng cự tăng giá tiếp theo đối với ngô giao tháng 5/2021 sẽ ở mức 5,72 USD/bushel.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận Trung Quốc đã mua thêm 800.000 tấn ngô Mỹ vào ngày 19/3, đưa tổng lượng ngô mua hàng tuần của Trung Quốc lên 4 triệu tấn. AgResource ước tính Trung Quốc đã đặt hàng khoảng 33-34 triệu tấn ngô từ các nhà xuất khẩu ngô trên thế giới.
AgResource lưu ý lượng mua của Trung Quốc cùng với thời tiết không mấy thuận lợi cho vụ ngô ở Bắc Brazil có khả năng đẩy giá ngô kỳ hạn tháng 5/2021 lên mức 5,70 USD/bushel.
Về thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ và Việt Nam tăng trong tuần này do nhu cầu tăng lên.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng từ mức 395-401 USD/tấn trong tuần trước lên 398-403 USD/tấn nhờ nhu cầu tăng mạnh và đồng rupee lên giá.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, miền Nam của bang Andhra Pradesh, cho biết nhu cầu gạo Ấn Độ luôn ở mức cao, nhưng một số khách hàng không thể mua hàng do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng.
Gạo 5% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 510-515 USD/tấn trong phiên 18/3, so với mức 500-510 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay nhu cầu từ các khách mua nước ngoài như Philippines, Bangladesh và Indonesia đang tìm mua gạo vụ Đông Xuân có chất lượng tốt tăng lên.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 505-513 USD/tấn trong ngày 18/3, so với mức 505-515 USD/tấn trong tuần trước.
Các thương nhân tại Bangkok cho biết thị trường trầm lắng và giá tiếp tục giảm phần lớn là do tỷ giá hối đoái, đồng baht của Thái Lan giảm so với đồng USD.
Thị trường cà phê thế giới cho thấy do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều vùng cà phê trên thế giới đang tạm thời sụt giảm về sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với cà phê Việt Nam đang có tín hiệu vui là giá trị sản phẩm cà phê chế biến tăng do thế giới thiếu đi nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch sáng 20/3 (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta giao tháng 5/2021 tại London giảm 6 USD/tấn, giao dịch ở mức 1.380 USD/tấn.
Giá càphê Arabica giao tháng 5/2021 tại sàn New York ở Mỹ giảm 0,95 cent/lb ở mức 129 cent/lb. Giá cà phê tại Việt Nam được giao dịch trong khoảng 31.500-32.400 đồng/kg.
Giá cà phê tiếp tục giảm nhẹ do nhà đầu tư phản ứng trước việc Copom nâng mức lãi suất lên cao hơn kỳ vọng, trong khi trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục đã kéo dòng vốn đầu cơ chảy mạnh về chứng khoán khiến phần lớn giá cả hàng hóa, nhất là các nông sản chủ lực của Brazil sụt giảm là điều không thể tránh khỏi./.