BVR&MT – Trong đời sống hàng ngày, vịt gắn bó với người nông dân, với hoa sen, với bàu sen. Có lẽ vì đó, con người cũng dành tình cảm ưu ái với loài vật sống yêu thương hòa thuận này trong câu ca dao: “Trên trời có vịt có công/Có sao bánh lái, có sông ngân hà”.
Theo màu sắc lông, người ta phân biệt vịt cò lông màu trắng, vịt sen lông xám trắng hoặc toàn xám, vịt cà cuống lông hơi xanh xanh, vịt hột dầu có lông giống màu hạt thầu dầu… Tuy nhiều vậy nhưng người Phú Yên hay nuôi vịt cò, vì loại này chân cao, chạy đồng khỏe.
Vịt còn nhỏ chỉ nuôi trong mành, chưa cho ra ngoài. Mành đặt ở chỗ thế đất cao và thấp, có nước và khô, thường là giữa đồng, cách biệt xóm làng. Khoảng một tháng tuổi, đến thời kỳ áo lá thì thả vịt ra. Vịt rúc xuống nơi có nước kiếm ăn, sau đó chúng lên chỗ cao, khô ráo rỉa lông. Bốn tháng rưỡi trở lên, vịt bắt đầu đẻ trứng. Vịt đẻ ban đêm, mờ sáng người ta cho vịt ra ngoài rồi mới lượm trứng, cho vô giỏ cà xé đem về chòi chờ giao đầu nậu.
Vào mùa này, chủ vịt phải lên tận miền núi cao nguyên, mướn ruộng và lùa vịt từ đồng bằng lên. Con vịt thấp lè tè, đi đứng chậm chạp, muốn qua bao đèo dốc thiệt là kỳ công. Ngày nay người ta dùng xe chở, không còn lùa bộ như xưa nữa.
“Vịt nuôi ở tại Tiên Châu/ Bàn Nham, Thạch Chẩm, Vườn Trầu, Hòa Đa”, đó là hai câu trong bài vè về sản vật trước đây ở Phú Yên. Mà mùa này đâu chỉ mấy nơi đó, trên những ruộng lúa vừa mới gặt xong ở các huyện Tây Hòa, Sông Hinh hay Đồng Xuân, vịt ào ào xuống đồng. Vịt cả bầy, đơn vị tính phải là thiên. Phú Yên nuôi nhiều vịt nhờ những cánh đồng rộng hẹp từ vùng thấp đến vùng cao và nơi nào cũng có sông nước.