BVR&MT – Ngày 25/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức buổi làm việc với các ngân hàng thương mại cùng một số bộ, ngành để trao đổi, thống nhất việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TB-VPCP về tín dụng đối với doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nền kinh tế đang ở giai đoạn hết sức khó khăn, tín dụng tăng trưởng rất chậm,… Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi, phân tích sát với tình hình để đưa ra những chính sách điều hành phù hợp với thực tế.
Với nền kinh tế có quy mô nhỏ nhưng độ mở rất lớn, hai lĩnh vực lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy giảm kinh tế và xung đột địa chính trị trên thế giới. Thị trường trong nước đối với 2 lĩnh vực này cũng rất khó khăn. Những khó khăn trên đã được Chính phủ nhận định rõ. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo chung (Thông báo số 167/TB-VPCP), trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi có giá trị 10.000 tỷ đồng cho hai lĩnh vực này.
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thời gian qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lâm sản, thủy sản, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất.
Dù ngành Ngân hàng đã có nhiều giải pháp, song trước diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, thời gian qua, việc mở rộng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn do sự hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế giảm. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh các nền kinh tế lớn giảm chi tiêu mua sắm.
Do đó, tính đến ngày 16/5, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 12,25 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,72% so với cuối năm 2022. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt dư nợ hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2022; dư nợ tín dụng với thủy sản đạt hơn 211.000 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,09%; dư nợ đối với lĩnh vực lâm sản đạt trên 189.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2022…
Là ngân hàng phục vụ tam nông nên dư nợ cho vay lĩnh vực này luôn chiếm 65-70%/tổng dư nợ của Ngân hàng Agribank. Theo Phó Tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình, tính đến ngày 15/5, dư nợ tín dụng cho vay thủy sản đạt 59.000 tỷ đồng; đối với lĩnh vực lâm nghiệp, dư nợ cho vay đạt 55.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, đến hết quý I/2023, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực ưu tiên của Vietcombank là 408 nghìn tỷ đồng, chiếm 3-5% trong dư nợ tín dụng; dư nợ của các ngành thủy sản, lâm nghiệp, khai thác muối… tại thời điểm cuối năm 2022 là 163 nghìn tỷ đồng, hiện nay là 155 nghìn tỷ đồng.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp trong ngành thủy sản nói riêng, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết các chính sách được ngành Ngân hàng đưa ra thời gian qua góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp vơi bớt khó khăn.
Tuy nhiên, kể từ quý IV/2022 đến nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản gặp nhiều khó khăn hơn, hàng tồn kho lớn do không xuất khẩu được đơn hàng vì sự suy giảm cầu từ các thị trường quốc tế. Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, doanh số toàn ngành giảm khoảng 30% (riêng thị trường Mỹ giảm 51%; thị trường châu Âu, Trung Quốc giảm khoảng 30%…).
“Trước những khó khăn hiện nay, VASEP đã đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn. Mục tiêu của gói này là duy trì sinh kế cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú tiếp tục khẳng định, nông nghiệp, nông thôn luôn là lĩnh vực chủ chốt, tạo ra giá trị sản phẩm cho đất nước, trong đó lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nên cần sự ưu đãi và cơ chế, chính sách.
Phó Thống đốc yêu cầu các ngân hàng thương mại Nhà nước hay ngân hàng thương mại cổ phần đều phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung, cần có những chính sách khẩn cấp hỗ trợ các doanh nghiệp hai ngành nghề này để giữ vững được thị trường, thị phần, không để cho doanh nghiệp không đủ vốn sản xuất và bị phá sản.
Đối với đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho hai lĩnh vực này, Phó Thống đốc cho rằng nếu so với dư nợ tín dụng của hai lĩnh vực này hiện nay thì quy mô gói tín dụng là quá nhỏ. Hơn nữa, với 10.000 tỷ đồng, những khó khăn hiện nay không thể giải quyết hết được. Do đó, Phó Thống đốc đề nghị không nên đưa ra gói tín dụng này mà cần đặt ra cơ chế tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp duy trì và phát triển. Các ngân hàng thương mại cần cố gắng duy trì hạn mức đã cấp cho doanh nghiệp, không nên cắt giảm; tiếp tục chia sẻ lợi nhuận để hạ lãi suất…