BVR&MT – Quảng Bình có độ che phủ rừng hơn 67%, đứng thứ hai cả nước. Do áp lực bảo vệ rừng ngày càng lớn, mức độ nguy hiểm cao, nhiều nhân viên bảo vệ rừng bỏ việc. Các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp lực lượng bảo vệ rừng bảo đảm cuộc sống, yên tâm với nghề.
Lương thấp, áp lực cao
Gần hai năm nay, tình trạng nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng (BVR) ở Quảng Bình bỏ việc với số lượng lớn, trong đó nhiều nhất là tại Công ty TNHH một thành viên lâm công nghiệp Long Ðại (gọi tắt là Công ty Long Ðại), nơi được giao bảo vệ gần 50.000 ha rừng tự nhiên. Trước đây, lực lượng BVR của công ty này gần 150 người, nay chỉ còn 76 người.
Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa (Công ty Long Ðại) được giao quản lý, bảo vệ gần 26.000 ha rừng tự nhiên, chạy dọc theo nhánh tây đường Hồ Chí Minh kéo đến biên giới Việt Nam – Lào.
Ðây là nơi được đánh giá có mật độ che phủ cao với nhiều khu rừng nguyên sinh và có nhiều loại gỗ quý hiếm. Chính vì vậy, lâm tặc luôn nhòm ngó và nhiệm vụ BVR càng nặng nề hơn. Giám đốc Lâm trường Khe Giữa Ngô Hữu Thành cho biết, cuối năm 2018, đơn vị có 33 nhân viên chuyên trách BVR, đến giữa năm nay, có sáu người đã nghỉ việc. Theo Tổ trưởng cơ động của Lâm trường Khe Giữa Nguyễn Tri Phương, thời gian qua, việc trả tiền lương cho người BVR vừa thấp, vừa rất chậm, trong khi áp lực công việc ngày càng cao, nhiều BVR chuyên trách của đơn vị không bảo đảm thu nhập, phải nghỉ việc. Trong số đó, có người đã giữ rừng hơn mười năm, thậm chí có cán bộ đang làm trạm trưởng cũng xin nghỉ việc.
Tương tự, Giám đốc chi nhánh Lâm trường Trường Sơn (Công ty Long Ðại) Châu Ngọc Dương cho biết, đơn vị được giao bảo vệ gần 22.000 ha rừng, lực lượng hợp đồng chuyên trách BVR có 34 người nhưng đến tháng 10 vừa qua, tám người đã xin nghỉ việc. Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn có 14 trạm và điểm chốt BVR, do không đủ nhân lực cho nên đơn vị chỉ bố trí mỗi vị trí hai người nhưng phải quản lý, bảo vệ cả nghìn héc-ta rừng.
Trạm BVR số 8 thuộc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn nằm cách trụ sở lâm trường hơn 10 km là một ngôi nhà lợp tôn, thấp lè tè. Anh Nguyễn Văn Tuấn vừa đi tuần rừng về, đang lúi húi nấu cơm bằng bếp củi, chia sẻ: Lương chỉ năm triệu đồng/tháng, anh em không có khoản hỗ trợ nào khác. Ðã vậy lương lại thường xuyên bị chậm khiến đời sống anh em càng khó khăn. Có thời điểm, sáu tháng liền (từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019), người BVR ở các đơn vị không nhận được lương vì kinh phí BVR cấp xuống chậm, trong khi các lâm trường không có nguồn kinh phí để tạm ứng. Theo Giám đốc Công ty Long Ðại Lương Sỹ Trình, tiền lương của nhân viên BVR lâu nay được cấp từ nguồn tiền hỗ trợ BVR theo Quyết định số 2242/QÐ-TTg ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ và do Bộ Tài chính cấp hằng năm. Nhưng khoản tiền này luôn giải ngân chậm cho nên các chi nhánh lâm trường thường xuyên nợ lương nhân viên. “Kết thúc nhiệm vụ BVR năm 2018, đến tháng 10-2019, Công ty Long Ðại mới nhận được 70% tổng số tiền của năm 2018. Hiện đơn vị vẫn bị nợ hơn ba tỷ đồng tiền BVR năm 2018”, ông Trình chia sẻ.
Không chỉ bị chậm chi trả tiền hỗ trợ BVR, việc nâng mức hỗ trợ theo Nghị định 156/2018/NÐ-CP của Chính phủ cho lực lượng BVR cũng thực hiện chậm trễ. Theo lãnh đạo Công ty Long Ðại, quy định mới của Nghị định 156/2018/NÐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 ghi rõ mức hỗ trợ cho người BVR là 300.000 đồng/ha/năm (mức cũ là 200.000 đồng/ha/năm). Tuy nhiên đến nay, quy định này vẫn chưa được Bộ Tài chính áp dụng. Ðến tháng 10-2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã cho các đơn vị ứng 60% tổng số tiền BVR năm 2019, song chỉ áp dụng mức 200.000 đồng/ha/năm. Riêng số tiền BVR bị nợ năm 2018 vẫn còn bị “treo”, chưa biết đến bao giờ mới có.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Phan Văn Khoa cho biết, toàn tỉnh có gần 552.000 ha rừng các loại, trong đó 270.000 ha rừng có nguy cơ bị xâm hại cao. Quảng Bình đã xây dựng đề án tăng cường công tác quản lý BVR và giao nhiệm vụ cho các đơn vị với diện tích gần 191.500 ha, kinh phí BVR gần 59 tỷ đồng. Tuy nhiên, hằng năm, số tiền hỗ trợ BVR luôn bị chuyển chậm từ sáu đến chín tháng.
Cần giải pháp chuyển đổi mô hình hoạt động
Tình trạng nghỉ việc của nhân viên giữ rừng tại Quảng Bình đã ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý và BVR của các đơn vị, nhất là tại các chi nhánh lâm trường không đủ người để giữ rừng tự nhiên. Trước đây, các đơn vị có đủ nhân viên thì định mức bình quân mỗi người bảo vệ hơn 700 ha rừng, song từ khi nhiều nhân viên nghỉ việc, mỗi người phải gánh thêm vài trăm héc-ta nữa. Có nơi mỗi nhân viên BVR phụ trách hơn 1.000 ha rừng, do vậy, công tác BVR càng áp lực và khó khăn hơn.
Theo chia sẻ của những người làm công tác BVR lâu năm, dù có tâm huyết với rừng đến mấy nhưng trước áp lực của cuộc sống gia đình thì họ phải chọn làm công việc khác để có thu nhập cao hơn. Từ đây xảy ra nghịch lý là lao động trẻ bỏ việc để tìm kế mưu sinh, lao động lớn tuổi khó tìm việc làm khác, cho nên đành làm công việc… giữ rừng. Vậy là ở các chi nhánh lâm trường, nhân viên BVR chủ yếu là người lớn tuổi, sức khỏe hạn chế. “Nhiều lần công ty tuyển người để tăng cường lực lượng BVR nhưng rất khó, buộc chúng tôi phải hạ tiêu chuẩn về trình độ, năng lực để tạm tuyển nhưng vẫn không đủ quân số trực tiếp làm việc tại các chốt, trạm BVR của đơn vị”, Giám đốc Công ty Long Ðại Lương Sỹ Trình cho biết thêm.
Mặt khác, tỉnh Quảng Bình hiện có hai công ty lâm nghiệp đều hoạt động theo mô hình vừa doanh nghiệp công ích vừa sản xuất, kinh doanh. Trong sản xuất, kinh doanh, các đơn vị này đang nắm giữ nguồn tài nguyên đất đai lớn nhưng hoạt động lại kém hiệu quả. Nhiệm vụ đan xen giữa công ích và sản xuất, kinh doanh là một trong các nguyên nhân làm doanh nghiệp khó hoạt động.
Vì thế, vấn đề đặt ra là khẩn trương cơ cấu lại các doanh nghiệp lâm nghiệp, qua đó đổi mới cách thức và nâng cao hiệu quả công tác BVR tự nhiên. Hiện Công ty Long Ðại có sáu đơn vị thành viên, trong đó Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa và Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn là có rừng tự nhiên, các đơn vị còn lại thì khai thác, bảo vệ rừng trồng kinh tế. Vì vậy, nên quy hoạch, sáp nhập các đơn vị đang sản xuất, kinh doanh rừng trồng và thực hiện cổ phần hóa. Như vậy, cá nhân, tổ chức có điều kiện sẽ tham gia và đó là đòn bẩy để khai thác hợp lý, có hiệu quả diện tích rừng trồng này. Ðối với các đơn vị BVR tự nhiên, theo Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Bình Phạm Hồng Thái thì nên chuyển sang mô hình ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc chính quyền cấp huyện hoặc tỉnh. Khi đó, lực lượng BVR chuyên trách sẽ có những chế độ cụ thể, ổn định để yên tâm làm tốt nhiệm vụ giữ rừng.