BVR&MT – Cùng với mảng xanh hiện hữu, Chương trình trồng 1 triệu cây xanh được Hà Nội triển khai từ năm 2016 đến nay, thực sự mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo cảnh quan đô thị và hình thành nên nhiều tuyến phố được chuẩn hóa hệ thống cây xanh. Đây là những bước đi đúng đắn để đặt niềm tin về một thành phố xanh như đất nước Singapore đã thực hiện thành công.
Từ thành phố vườn Singapore
Năm 1994, tôi may mắn được tham dự khóa học về Quản lý đô thị tại Singapore. Trong 2 tháng, chúng tôi đã được các chuyên gia cao cấp của Singapore giới thiệu về phương thức quản lý trong các lĩnh vực đô thị. Vấn đề nào lúc đó cũng rất mới mẻ, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc là môi trường trong sạch kết hợp với cây xanh, tạo nên cảnh quan tươi đẹp ở đất nước này. Với tầm nhìn và ý tưởng thành phố vườn được thực hiện xuyên suốt từ những năm 70 đến nay, vẻ đẹp xanh của Singapore được tạo nên không chỉ bởi vệ sinh sạch sẽ, mà còn nhờ khối lượng lớn cây xanh phủ khắp hòn đảo.
Tại đây nghiêm cấm mọi hoạt động phá hoại cây xanh, nếu vi phạm sẽ phạt nặng. Singapore có nền công nghệ cao ngay trong quản lý cây xanh từ thành phố vườn đến thành phố trong vườn là một tiến trình 3 cực: Phát triển hạ tầng xanh; Biến Singapore thành cổng kết nối thông tin của ngành làm vườn; Kích hoạt sự yêu thích sở hữu mảng xanh của cộng đồng. Với chủ trương kết nối khối liên minh PPP: Nhà nước – Tư nhân – Cộng đồng, Singapore đã có nhiều giải pháp: Xây dựng Quỹ Thành phố vườn, chương trình Tình nguyện xanh, xây dựng các nhóm cộng đồng, trường học, DN và các công ty gắn kết chặt chẽ với các trung tâm sinh thái và mảng xanh của Nhà nước… Tham quan các công viên của nước bạn, không thể không ao ước lúc nào đó Hà Nội cũng có nhiều vườn hoa, cây xanh như vậy.
Với mục tiêu xây dựng một TP Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại, cùng với phát triển năng lượng xanh, môi trường xanh, trồng mới cây xanh là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020 của Hà Nội. Vì vậy, ngày 5/6/2016, TP đã có quyết định chính thức khởi động chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 – 2020, từng bước phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ cây xanh 8m2/đầu người. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian vừa qua TP đã tổ chức chỉnh trang cắt tỉa lại toàn bộ cây xanh hiện có. Nhiệm vụ trên vừa làm đẹp cho TP, vừa đảm bảo an toàn giao thông, chống tai nạn do cây đổ trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, TP chú trọng mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cắt tỉa, cử cán bộ cây xanh ra nước ngoài học tập, mời chuyên gia tư vấn, hợp tác với các nước, huy động mọi nguồn lực gồm cả DN và người dân. Hà Nội đã áp dụng thành công phương pháp 3D gồm: “Đồng đều, đa dạng và đồng bộ về cả chủng loại, chiều cao và kích cỡ”, tạo điểm nhấn đặc trưng trên một số tuyến phố. Nhờ có sự đồng bộ trong trồng cây xanh các tuyến phố đã giữ được độ xanh, hạn chế tiếng ồn, ngăn ánh sáng phương tiện lưu thông ngược chiều nhau như đường Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công… Cùng với đó, Hà Nội cũng xây dựng vườn ươm cây ở Đan Phượng phục vụ nghiên cứu lai tạo các giống cây, hoa mới. Chỉ riêng năm 2017, Hà Nội đã trồng được 500.000 cây xanh. Những kết quả trên là thành công lớn, mà ai cũng nhìn thấy một Hà Nội ngày càng nhiều tuyến đường, con phố được phủ bởi những hàng cây xanh tốt.
Tuy nhiên, để phát triển cây xanh bền vững, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu và có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn. Trước hết, cần huy động người dân và các ngành tích cực trồng cây đảm bảo chỉ tiêu mét vuông cây xanh/đầu người, bởi cây xanh quyết định giá trị của một đô thị. Theo các nhà sử học khi xưa chọn đất lập kinh đô, vua không chỉ nhìn thế đất mà còn nhìn cả cây cỏ để biết xứ đó có “tươi tốt phồn thịnh” hay không. Vua Trần Thái Tông khi lên ngôi (1251) năm đầu cũng cho trồng cây hai bên đường ở thành Thăng Long, sau này mới có phố Liễu Nhai (Giai) là phố trồng liễu, Hòe Nhai là phố trồng hòe. Chính sự đầu tư của nhiều thế hệ đó, nên ngày nay Hà Nội có nhiều đường phố với các hàng cây trên 100 tuổi mà không phải TP nào cũng có. Hiện nay diện tích cây xanh tính trên đầu người của Hà Nội chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các TP tiên tiến trên thế giới. Do đó việc trồng thêm cây xanh là trách nhiệm của toàn dân với những giải pháp cụ thể ở từng khu vực.
Đối với khu phố cổ, cũ cần bảo tồn các cây di sản, tăng cường diện tích cây xanh trong việc chỉnh trang đường phố. Với khu đô thị mới đã và đang xây dựng, cần rà soát về chỉ tiêu cây xanh để tăng cường xanh hóa không gian. Đối với các khu đô thị mới đang còn trên giấy phải đảm bảo chỉ tiêu cây xanh theo quy hoạch được duyệt; áp dụng các kiến trúc xanh, công trình xanh vào các dự án xây dựng. Tạo các mảng xanh trên mặt đất, đường phố, sân vườn, tường nhà và đưa cây xanh vào mỗi gia đình…
Thứ hai, tổ chức phong trào trồng cây và bảo vệ cây xanh đô thị kết hợp với việc xử nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm về quản lý cây xanh. Trong các lễ phát động trồng cây, lãnh đạo TP luôn đề nghị các đơn vị liên quan và kêu gọi người dân Thủ đô phát huy các kết quả đạt được, tích cực xã hội hóa chương trình trồng cây xanh tại các đường giao thông, khuôn viên cơ quan, trường học, bệnh viện, nơi công cộng. Như vậy trách nhiệm của cộng đồng là phải chăm sóc, bảo vệ, duy tu cây xanh trước cửa nhà mình và trong khu vực dân cư mình đang ở. Vấn đề cần được quan tâm chính là từ những cán bộ của các đơn vị phường, xã cần hiểu rõ yêu cầu và trách nhiệm trong bảo vệ cây xanh.
Hà Nội đang xây dựng TP thông minh, vì vậy việc sử dụng công nghệ thông tin GIS trong quản lý chăm sóc cây xanh cần nhanh chóng được triển khai. Với các trường dữ liệu cho phép khai thác thông tin với việc thành lập bản đồ số về hệ thống cây xanh trên các tuyến đường, các nhà quản lý có thể nắm bắt được hiện trạng sinh trưởng và phát triển, chất lượng của cây, qua đó có hướng giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể. Việc ứng dụng GIS sẽ giúp cơ quan quản lý có quy trình khi nào tưới cây, khi nào cho phân để chăm bón, khi nào tỉa cành, khi nào thay cây…
Nhu cầu sống hiện nay không chỉ là ngôi nhà đẹp và tiện nghi, mà còn là môi trường sống hòa mình vào thiên nhiên. Hy vọng với nhiều giải pháp, Hà Nội sẽ có nhiều cây xanh, nhiều vườn hoa hơn để đúng nghĩa là TP Xanh của Việt Nam và thế giới.