BVR&MT – Cây dừa phù hợp với chất đất cát pha ven biển hay đất nhiễm mặn nên từng được phát triển rộng khắp ở huyện Hoằng Hóa. Tuy nhiên do quá trình đô thị hóa, sâu bệnh và nhiều nguyên nhân, khoảng hai chục năm trở lại đây, số lượng dừa suy giảm nghiêm trọng. Nay huyện đang có nhiều chương trình vực dậy số lượng cây trồng bản địa nhiều lợi ích này.
Hoài niệm loài cây bản địa
Thông tin từ UBND huyện Hoằng Hóa, có những giai đoạn cao điểm, trên địa bàn huyện có hơn 400.000 cây dừa, tương đương khoảng hơn 2.000ha, được trồng chủ yếu ven đường giao thông, bờ ao, bờ kênh, vườn hộ… Hoằng Hóa còn được mệnh danh là “thủ phủ dừa xứ Thanh” bởi số lượng và vai trò của cây trồng bản địa này đã được khẳng định từ nhiều đời.
Xuyên suốt thời kỳ phong kiến, rồi những năm bao cấp khó khăn về kinh tế, cây dừa đã phát huy được vai trò chống đói, giảm nghèo cho bao lớp gia đình. Dừa cho thu hoạch nhiều tháng trong năm, mỗi cây có thể cho cả chục buồng, có khi tới cả trăm quả mỗi năm. Dừa già có thể cất trữ cả quả để sử dụng nhiều tháng không hỏng, cùi dừa được ăn sống, được kho làm thực phẩm cho biết bao thế hệ cư dân. Một gia đình chỉ cần chục cây dừa, vừa có củi đun nấu quanh năm, lại có thể bán quả để mua đủ lương thực chống đói. Cũng hiếm có loài cây trồng nào, mà cho chu kỳ khai thác cả trăm năm như loài dừa bản địa thân to này.
Gần như các bờ ao, ven đường đi, trong vườn nhà, mọi khoảng đất hoang, cồn bãi đều có màu xanh của cây dừa. Không chỉ ở hộ gia đình, mà các HTX, chính quyền nhiều xã vùng biển trong huyện cũng phát triển kinh tế từ cây dừa với khái niệm “dừa hợp tác”. Cuối những thập niên 90 của thế kỷ trước, những hàng “dừa hợp tác” vẫn còn, rồi sau mất dần do các đợt mở rộng đường giao thông cũng như bị già cỗi. Như tại xã Hoằng Hải, hai bên tuyến đường trục xã từ thôn Trung Thượng ra đến biển và tuyến khác từ thôn An Lạc xuống đến chợ Hón ngày nay là những hàng “dừa hợp tác”. Tại xã Hoằng Yến, không chỉ ven tuyến đường chính là những đường nội đồng lớn cũng được HTX phát triển những hàng dừa, sau này cho các hộ đấu thầu khai thác đến tận những năm 2000. Ở xã Hoằng Tiến, trước đây khi chưa có tên đường, tuyến giao thông chính nay trùng với đường Gòng – Hải Tiến từ ngã tư Hoằng Tiến đi Khu du lịch biển Hải Tiến còn được gọi tên bằng “Đường hàng dừa” bởi hai bên được phủ xanh cả trăm bóng dừa…
Khi chưa có cây cầu Nguyệt Viên và tuyến đường tránh TP Thanh Hóa, ven Quốc lộ 1A cũ chạy qua phường Tào Xuyên và xã Long Anh (TP Thanh Hóa) ngày nay chính là trung tâm tập kết, buôn bán để dừa Hoằng Hóa đi khắp các vùng miền. Tại nhiều xã của huyện còn hình thành nghề buôn dừa cho những người chuyên thu mua, vận chuyển dừa.
Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, dừa còn được coi là cây đa giá trị. Trước kia, những thân dừa già còn được xẻ làm nhà với độ bền 50 – 70 năm và được ví như “lim đồng bằng”. Gắn bó nhiều đời, cây dừa còn là một phần của đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vùng biển Hoằng Hóa. Thời gian khó, gáo dừa còn được mài nhẵn làm bát ăn, mảnh gáo được mài thành muôi múc. Hình ảnh gợi nhớ lại tuổi thơ của bao thế hệ là gáo múc nước ở các gia đình đều làm bằng sọ dừa.
Cây dừa giữ đất, giữ làng bởi bộ rễ bao trùm, cắm sâu, chống sạt lở tốt. Dừa soi bóng mát những con đường lớn nhỏ, gắn với tuổi thơ nhiều người là vậy, nhưng khoảng hơn 20 năm qua, dừa Hoằng Hóa suy giảm nghiêm trọng về số lượng. Nguyên nhân được xác định do hết chu kỳ khai thác, sâu bệnh gây hại, thiên tai và tốc độ đô thị hóa… Thời điểm những năm 2020, toàn huyện chỉ còn hơn 200.000 cây (tương đương khoảng 1.000ha).
Kỳ vọng “chấn hưng” cây dừa
Không giống như dừa Xiêm trái nhỏ của các tỉnh Nam Trung bộ hay dừa lùn ở phía Nam, cây dừa bản địa Hoằng Hóa là loại thân to, cao cây, vững chãi trước gió bão. Trái dừa Hoằng Hóa khá to quả, vỏ màu xanh, nước ngọt thanh, thơm mát như được hút thêm mạch nguồn vùng đất cát pha và phù sa sông Mã bồi lắng.
Nhìn thấy rõ tiềm năng, đồng thời để vực dậy cây trồng bản địa này, từ tháng 11/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hoằng Hóa đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/HU, về phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ bền vững đến năm 2030, trong đó hỗ trợ giống dừa để trồng trên bờ bao nuôi trồng thủy sản. Nghị quyết có tính thực tiễn nên ngay sau khi ban hành đã được người dân ủng hộ, các năm 2020 và 2021 mỗi năm huyện trồng mới trên 10.000 cây dừa.
Tổng hợp từ UBND huyện Hoằng Hóa, giai đoạn 2020-2022 huyện đã hỗ trợ 923,14 triệu đồng cho các hộ mua giống phát triển cây dừa trên bờ ao nuôi trồng thủy sản. Tổng số dừa phát triển mới trong 2 năm đạt 22.066 cây, trong đó các xã: Hoằng Hợp 1.482 cây, Hoằng Thắng 1.845 cây, Hoằng Lưu 2.400 cây, Hoằng Đạo 3.393 cây, Hoằng Đạt 3.729 cây, Hoằng Phong 1.487 cây, Hoằng Xuyên 2.350 cây, Hoằng Đông 1.983 cây… Hiện nay cấp ủy, chính quyền các cấp và Nhân dân trong huyện vẫn đang quan tâm, mở rộng diện tích trồng dừa trên địa bàn.
Đến tháng 7/2022, UBND huyện Hoằng Hóa tiếp tục có Quyết định 1372/QĐ-UBND ban hành Đề án phát triển rừng dừa Nam Hải Tiến tại xã Hoằng Phụ. Mục tiêu phát triển rừng dừa để tạo cảnh quan môi trường sinh thái, chống xói mòn và xâm thực bờ biển, phát triển cây trồng bản địa, tạo điểm nhấn để hỗ trợ phát triển du lịch Hải Tiến, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của xã Hoằng Phụ nói riêng và huyện Hoằng Hóa nói chung. Theo đó, rừng dừa sẽ được phát triển khoảng 30ha dọc ven biển của xã, đến năm 2026 sẽ đưa vào khai thác. Tổng kinh phí đầu tư dự án trồng 30ha dừa này được dự toán là 27 tỷ đồng, trong đó 14,5 tỷ đồng đầu tư cho việc trồng, chăm sóc rừng dừa 3 năm đầu; 12,5 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông phân lô kết nối trong rừng dừa và đường kết nối với tuyến đường 510B.
Đề án cũng nêu rõ lợi ích kinh tế lớn của rừng dừa khi đến kỳ thu hoạch quả. Trong chu kỳ khai thác với giá bán từ 8.000 – 10.000 đồng/quả, mỗi năm 1 cây dừa sẽ cho thu nhập trung bình khoảng 500.000 đồng, tương đương khoảng 100 triệu đồng/1ha. Đó là chưa tính sản phẩm phụ từ vỏ quả dừa dùng làm giá thể trồng cây, khi khai thác thân cây dừa dùng làm ván xây dựng…
Những ngày hè này, diện tích dừa đầu tiên được trồng ngay mép biển ở thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ đã thành hình. Trên tuyến đường giao thông Thịnh – Đông mới đưa vào khai thác gần 2 năm, gần 5.000 cây dừa nhỏ được trồng dọc hơn 2m dải phân cách đang xanh tốt và lớn lên từng ngày. Theo ông Lê Trọng Hòa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa: “Dừa được ươm từ bé, đến nay đã phát triển tàu lá cao 2 – 3m. Khi bộ rễ khỏe, hàng dừa trồng dày này sẽ được bấng đem về ven biển xã Hoằng Phụ trồng thành rừng theo đề án của huyện”.
“Tính đến tháng 7/2024, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa đang có khoảng hơn 223.000 cây dừa, nếu tính theo mật độ khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp là 8 x 8m thì tương đương khoảng 1.400ha. Một số xã trồng dừa nhiều như: Hoằng Thành, Hoằng Trạch, Hoằng Lộc, Hoằng Đạo, Hoằng Lưu, Hoằng Hà…” – ông Lê Trọng Hòa cho biết thêm.
Được biết, thời gian gần đây, do huyện Hoằng Hóa và Tập đoàn Flamingo đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lập quy hoạch phát triển du lịch; huyện đang chờ quy hoạch tổng thể nên tạm dừng việc mở rộng rừng dừa.
Trên thực tế, số lượng dừa Hoằng Hóa đang tăng lên, là cơ sở để nhiều người kỳ vọng đưa Hoằng Hóa trở lại “danh hiệu” trước đây là “thủ phủ dừa xứ Thanh”. Cũng ở miền Trung, người ta ấn tượng với huyện Tam Quan (Bình Định), thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên với những rừng dừa ven biển bạt ngàn, trở thành cây phát triển kinh tế quan trọng… Hoằng Hóa hoàn toàn có thể thực hiện được nếu tiếp tục quyết tâm và có những bước đi đúng hướng.