BVR&MT – Những năm gần đây, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, huyện Như Xuân thực hiện đồng bộ các giải pháp khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học – kỹ thuật… mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Là hộ gia đình đầu tiên mạnh dạn đưa cây mắc-ca về trồng tại vùng đồi xã Cát Vân, chị Phạm Thị Thu đã thành công khi thu hoạch được những “trái ngọt” đầu tiên trên mảnh đất quê hương. Đưa chúng tôi đi thăm mô hình trồng mắc-ca rộng hơn 3,5 ha, chị Thu chia sẻ: Mắc-ca là cây lâu năm, có thể góp phần cải tạo đất, chống xói mòn, thân cây có thể dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, hạt mắc-ca có giá trị dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng nên gia đình đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để mua cây giống về trồng thử nghiệm; bên cạnh đó, kết hợp trồng xen sắn, ổi, mít… chăn nuôi gia súc, gia cầm để lấy ngắn nuôi dài. Do mắc-ca là loại cây còn khá xa lạ tại địa phương, quá trình chăm sóc lại đòi hỏi kỹ thuật cao nên để trồng cho năng suất và chất lượng hạt tốt, chị đã nhờ một người bạn là kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, đồng thời, học hỏi thêm kinh nghiệm của những mô hình đã thành công rồi áp dụng vào quá trình trồng, chăm sóc cây. Sau 4 năm thử nghiệm, 1 ha cây mắc-ca của gia đình chị Thu đã cho thu hoạch, với năng suất khoảng 3,5 tấn/ha. Nhận thấy loại cây trồng này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao nên chị Thu đã tiếp tục đầu tư để mở rộng diện tích trồng cây mắc-ca và hệ thống máy sấy hạt. Hiện tại, gia đình chị có gần 3,5 ha trồng mắc-ca đã cho thu hoạch từ vụ thứ 2 trở lên; sản phẩm mắc-ca sấy khô của gia đình chị Thu đã được tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong tỉnh và trên mạng xã hội; doanh thu đạt trung bình khoảng 900 triệu đồng/năm. Không những đầu tư phát triển sản phẩm hạt mắc-ca, chị Thu còn trồng thử nghiệm các loại giống để sàng lọc được những dòng mắc-ca thích hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương, sinh trưởng phát triển tốt, cho nhiều quả… để cung cấp giống cho người dân có nhu cầu.
Nhận thấy đây là loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, huyện Như Xuân đã khuyến khích, hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào quá trình trồng và chăm sóc. Hiện nay, trên địa bàn đã phát triển được hơn 8 ha trồng cây mắc-ca.
Được biết, để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Như Xuân đã thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, chuyển đổi 104 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang phát triển các mô hình trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao và phát triển các mô hình, như nuôi cá lồng, nuôi dê, nuôi ốc nhồi, trồng cây hương bài, trồng bí xanh, dưa hấu… Bên cạnh đó, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt… hình thành vùng sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung với diện tích đạt 8 ha; trong đó, có 1,5 ha rau sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, với các sản phẩm, như su hào, cà chua, dưa chuột… Ngoài ra, hằng năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Như Xuân tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh… từ đó, hình thành 3 vùng chăn nuôi an toàn sinh học và phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, con nuôi đặc sản.
Để các mô hình sản xuất được nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, huyện Như Xuân tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đồng thời, định hướng cho người dân phát triển các mô hình phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện sản xuất; nhất là các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, bảo vệ môi trường, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, gắn với liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yều cầu của thị trường. Bên cạnh đó, chú trọng chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng vào thực tế.