Tháng 10 đồng loạt mở dần du lịch, dũng cảm đi chơi thời ‘an toàn mới’

BVR&MT – Để khôi phục du lịch nội địa trong bối cảnh mới sống chung với Covid-19, DN lữ hành đóng vai trò tiên phong, địa phương dũng cảm và khách hàng dám đi du lịch.

Doanh nghiệp lữ hành tiên phong

Để chuyển hoạt động du lịch sang trạng thái bình thường mới, sống chung với Covid-19, phát triển du lịch an toàn, Lễ phát động “Chương trình khôi phục du lịch nội địa toàn quốc khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 lần 4” vừa diễn ra chiều 28/9.

Với chủ đề “Kết nối xanh du lịch Việt Nam”, chương trình sẽ xây dựng những tiêu chí an toàn ở các vị trí trong chuỗi dịch vụ du lịch, như tiêu chí an toàn đối với khách du lịch, với doanh nghiệp lữ hành, với cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch.

Đây là bộ khung quy trình để tổ chức lại các tour du lịch nội địa, từ đó, các Hiệp hội Du lịch và DN du lịch địa phương linh hoạt áp dụng vào tình hình thực tế, chi tiết hóa các nội dung phù hợp, dễ thực hiện, giám sát.

Tổng thu du lịch nội địa 9 tháng năm nay ước đạt 136 tỷ đồng, giảm 41,27% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, các tiêu chí và quy định tại từng thời điểm có thể thay đổi cho phù hợp với tình hình dịch. Khi có diễn biến mới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ công bố việc sửa đổi bổ sung tiêu chí; địa phương cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp.

Đặc biệt, việc khôi phục du lịch nội địa lần này nhấn mạnh vai trò quan trọng của các DN lữ hành. Theo ông Vũ Thế Bình, giai đoạn đầu, hoạt động du lịch hoàn toàn do các DN lữ hành đứng ra tổ chức, đảm bảo các điều kiện: tour trọn gói, an toàn, điểm đến an toàn và sử dụng dịch vụ an toàn.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist lý giải, do là tour khép kín, có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ của phía lữ hành nên công ty phải có trách nhiệm kiểm tra đó có phải là vùng xanh không, khách có đảm bảo tiêm hai mũi vắc xin không,… đồng thời, có báo cáo đánh giá ngay sau khi kết thúc tour.

Các DN cũng phải xây dựng tuyến điểm du lịch và các phương án vận chuyển theo lộ trình đảm bảo an toàn; quy định rõ chi phí xét nghiệm SARSCoV-2 và điều trị nếu nhiễm bệnh. Hợp đồng lữ hành cũng phải tính đến các tình huống bất ngờ xảy ra và chi phí phát sinh, như hoãn, hủy, cách ly khách,… cũng như dự trù phương án tham quan thay thế.

Ông Bình cho rằng, đặt lữ hành vào vị trí tiên phong của hoạt động khôi phục du lịch nội địa còn bởi không phải DN nào cũng có thể tham gia, mà cần đảm bảo các yêu cầu nhất định. Yêu cầu này có thể chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, trước khi có thể mở cửa hoàn toàn cho du lịch tự do.

Theo ông Bình, khó khăn nhất là lực lượng làm du lịch đã sứt mẻ quá nhiều. Hầu hết các DN du lịch chỉ còn một lực lượng rất nhỏ. Ấn tượng về sự không an toàn cũng ảnh hưởng lớn đến chuyện người dân có đủ dũng cảm để đi du lịch và đến một chỗ mà họ yên tâm là an toàn hay không.

“Nhưng, nếu không có bắt đầu thì hoạt động du lịch không thể mở lại được. Vì vậy, các DN du lịch sẽ phát động lại, làm lại, tạo điều kiện để mọi người quen đi với khái niệm an toàn mới”, ông nói.

Cần sự “dũng cảm” của địa phương

Việc phát động chương trình du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc, nhưng lại dành cho những địa phương “dũng cảm”, dám mạnh dạn mở cửa và triển khai các hoạt động du lịch trên địa bàn. Ở đây đòi hỏi cần có sự thay đổi về tư duy, vì trong bối cảnh mới, không phải đợi cả tỉnh, thành phố phải “xanh”, mà cần chọn vùng xanh tại các địa phương và chọn điểm xanh trong vùng xanh. Ranh giới vùng xanh ở phạm vi càng nhỏ, càng có tính thích ứng cao trong bối cảnh bình thường mới.

Khôi phục du lịch nội địa phải bảo đảm tiêu chí an toàn.

Ngay tại lễ phát động, rất nhiều địa phương đã lên kịch bản, chuẩn bị sẵn sàng các phương án mở cửa đón khách đảm bảm tiêu chí an toàn đến với vùng xanh, như Quảng Ninh, Hà Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận,…

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay, TP đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón khách, như tại 34 khách sạn đón khách cách ly thì 100% nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, 11.000 nhân viên ngành du lịch được tiêm mũi 1,… Về cơ bản, đến nay Đà Nẵng đã có bộ tiêu chí du lịch an toàn.

Do đó, TP lên lộ trình đón khách vào giữa tháng 11, trước mắt là khách nội tỉnh, sau đó là khách từ các địa phương lân cận, khách thăm thân,…

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, bà Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, sở yêu cầu đơn vị nào 100% lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin sẽ được hoạt động. Tháng 10, khi tất cả người dân trong tỉnh được tiêm mũi 1, Khánh Hòa sẽ đón khách du lịch nội địa.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thông tin, dự kiến trong tháng 10, Du lịch Hà Nội sẽ triển khai hoạt động theo giai đoạn 3: cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện hoạt động trở lại,… chủ yếu phục vụ khách du lịch Thủ đô.

Sau khi Hà Nội chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, Sở Du lịch sẽ đánh giá tình hình và kiến nghị triển khai giai đoạn 4, cho phép các DN du lịch hoạt động lại bình thường, được đón khách tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Thanh Hóa tiết lộ, ngày 7/10 tới tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố mở cửa du lịch. Hiện các khách sạn ở Thanh Hóa đã đón khách, nhưng chỉ được hoạt động 50% công suất.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, cho hay, sau khi tổ chức thí điểm thành công tour Cần Giờ, Củ Chi, tới đây TP sẽ mở rộng ra các vùng an toàn khác như Củ Chi – Tây Ninh, TP.HCM – Bà Rịa Vũng Tàu và tiến tới các địa phương ở phía Bắc. Du lịch TP là xác định địa phương kiểm soát dịch, có vùng xanh tới đâu sẽ liên kết tổ chức tour đến đó.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đánh giá, sau 4 đợt dịch, các DN chịu ảnh hưởng nặng nề, thiệt hại lớn khi doanh thu chạm đáy và kiệt quệ, do đó việc khôi phục khách nội địa là bước đệm giúp các DN dần hồi phục, tuy nhiên, việc tái khởi động phải đảm bảo an toàn. Cần quản trị tốt điểm đến sao cho an toàn, từ đó liên kết với các DN nối lại du lịch các vùng, các miền, ông nói.