BVR&MT – Bạn có mơ ước được bơi cùng rùa biển, chạm vào một con hổ hoặc đến gần một con vượn không?
Gặp gỡ những con vật tuyệt diệu ở những địa điểm kỳ lạ luôn đứng đầu trong danh sách những thứ phải thực hiện trước khi chết của nhiều người nhưng có một nguy cơ là kỳ nghỉ với trải nghiệm cả đời của bạn có thể sẽ chạm đến những con vật và sinh cảnh dễ bị tổn thương.
Là một phóng viên ảnh, Emily Garthwaite đã ghi lại những con vật đau khổ trong hậu trường tại các điểm nóng du lịch trên khắp châu Á. Tại Jaipur, Ấn Độ, cô có bằng chứng về cái gọi là “khu bảo tồn” ngược đãi voi và buộc chúng phải cho du khách cưỡi mặc dù đang bị stress nặng. Ở Sumatra, Indonesia, cô chứng kiến đười ươi đã quen với việc đợi chờ thức ăn từ các hướng dẫn viên và trở nên tích cực bảo vệ nguồn tài nguyên này. Cộng thêm với đám đông và ánh đèn flash chụp ảnh thì tình hình thật sự bi thảm.
Các tour du lịch này thường là một phần của thỏa thuận trọn gói và mặc dù đã có một số nỗ lực của các công ty du lịch để lọc ra các tour phi đạo đức nhất thì vẫn có nhu cầu rất lớn về trải nghiệm riêng không mang lại lợi ích cho động vật.
Gần đây, bức ảnh của cô về một con gấu chó bị giam cầm trong điều kiện kinh khủng được các giám khảo của cuộc thi Nhiếp ảnh gia động vật hoang dã của năm khen ngợi. Cô bị choáng ngợp bởi những người quan tâm hỏi về tương lai của con gấu. Thông qua Nhóm hỗ trợ gấu chó Sumatra, một khu bảo tồn đang được thiết lập để chăm sóc cho nhiều con gấu được giải cứu khỏi những tình huống tương tự. Hy vọng đó sẽ là một chương mới tích cực cho những con gấu nhưng Garthwaite quyết tâm tiếp tục chia sẻ những câu chuyện về những con vật này để khuyến khích mọi người suy nghĩ trước khi đặt tour.
“Du khách nên nhớ rằng tiền nào của ấy”, cô cảnh báo. “Bạn nên trả tiền cho một thứ gì đó xác thực và có lợi cho động vật, đó là đặt phúc lợi của chúng lên hàng đầu”.
Lời khuyên của chuyên gia là cần tìm hiểu trước. Hannah Brooks, phụ trách vấn đề tham gia của cộng đồng thuộc Vườn thú Chester, kêu gọi du khách cần kiểm tra các thông tin bảo tồn của các nhà cung cấp tour trước khi ghé thăm động vật và đảm bảo tiền của bạn sẽ được chi tiêu tại địa phương. “Nếu cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ động vật hoang dã xung quanh thì điều đó sẽ mang lại cho họ động lực để chăm sóc chúng”.
Các nhà bảo tồn thuộc Vườn thú Chester khuyến khích các tiêu chuẩn cao trong chăm sóc động vật trên toàn thế giới, bao gồm cả việc hợp tác với Hiệp hội vườn thú và thủy cung Indonesia (PKBSI). Cùng với việc chia sẻ kiến thức và kỹ năng quản lý loài, họ đã làm việc với nhân viên vườn thú để cải thiện thông tin giáo dục cung cấp cho du khách.
“Rõ ràng họ đang thực hiện công việc giáo dục rất nhiều nhưng họ không nhất thiết phải giáo dục bảo tồn, do vậy họ đã không đưa vào các thông điệp về lý do tại sao động vật bị đe dọa trong tự nhiên và làm thế nào mọi người có thể hành động để giúp đỡ”, Brooks giải thích. “Những người thay đổi cuộc chơi thực sự… nhận ra rằng nếu chỉ cần thêm vào một vài thông điệp là họ đã có thể khiến [du khách] tích cực hơn trong bảo tồn”.
Đông Nam Á là trung tâm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, vì vậy Brooks và các đồng nghiệp đã hợp tác với các cộng đồng địa phương để tìm hiểu động lực tiền tệ và văn hóa đằng sau hoạt động này. Thông qua các chương trình giáo dục, các nhà bảo tồn hướng tới mục tiêu khuyến khích những lựa chọn thay thế vừa có lợi cho cộng đồng vừa bảo vệ động vật hoang dã.
Đôi khi, ngay cả với ý định tốt đẹp nhất, bạn có thể nhận ra mình khai thác động vật. Nhưng vẫn có một cách bạn có thể giúp động vật hoang dã vào kỳ nghỉ. Vườn thú Chester cũng là đối tác của dự án ứng dụng điện thoại thông minh Wildlife Witness mà khách du lịch có thể sử dụng để báo cáo buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Ví dụ nếu bạn thấy tê tê bị bày bán hoặc một con hổ bị giam cầm, bạn có thể ghi lại vị trí và chi tiết để các cơ quan điều tra và can thiệp.
Thay vì biến các cuộc gặp gỡ với động vật thành sự hài lòng tức thì (đơn cử như đánh dấu vào danh sách mình đã tới hoặc đăng thông tin trên Instagram), chúng ta có thể tham gia với động vật hoang dã theo một cách nhạy cảm hơn. Nhiếp ảnh gia Garthwaite cũng khuyên bạn nên đặt ống kính xuống để tự vấn và trân quý môi trường.
Cô thích nhớ lại ký ức thời thơ ấu từ chuyến viếng thăm Công viên hoang dã Durrell, Jersey, nơi cha cô làm việc với tư cách là nhà động vật học. “Tán lá dày đặc đến mức bạn hầu như không thể nhìn thấy gì. Nhưng từ xa, tôi đã nhìn thấy chân của một con gấu và tôi hài lòng với điều đó”.
Khi bạn dành thời gian và dồn hết tất cả các giác quan của mình, ngay cả một cái nhìn từ xa hay thoáng thấy một phần của một con vật cũng có thể khiến bạn phấn khích. Dù bạn ở đâu, những cuộc gặp gỡ với động vật nên được tôn trọng và trở nên không thể nào quên vì những lý do đúng đắn.
Nhật Anh (Theo Bbcearth.com)