BVR&MT – Thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chè an toàn, chè sạch, nông dân vùng cao Võ Nhai đã nâng cao giá trị chè thành phẩm từ 30-40% so với trước kia. Hướng đi đúng đắn, bền vững này đang ngày càng được nhân rộng, góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè Võ Nhai.
Với hơn 2ha diện tích trồng chè hữu cơ, từ năm 2019, chị Vũ Thị Vương, ở xóm Chiến Thắng, xã Bình Long được biết đến là người đi đầu sản xuất chè theo phương pháp này ở địa phương. Chị chăm sóc cây chè theo hướng bảo vệ môi trường, tận dụng chất thải hữu cơ trong chăn nuôi làm thành phân bón hữu cơ tại chỗ. Toàn bộ quy trình sản xuất hằng ngày đều được chị cập nhật qua phần mềm trực tuyến để đảm bảo thuận tiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Qua kiểm định của cơ quan chuyên môn, sản phẩm chè hữu cơ của gia đình chị Vương không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích sinh trưởng mà vẫn đảm bảo được chất lượng tốt. Với kết quả này, chè hữu cơ sinh học của chị được doanh nghiệp bao tiêu với giá thu mua cao gấp hơn 2 lần giá chè thông thường tiêu thụ tại địa phương.
Chị Vương chia sẻ: Sản xuất chè hữu cơ dù vất vả hơn ở khâu chăm bón nhưng mang lại nhiều lợi ích, như: Môi trường làm việc tốt hơn, người trồng và thu hoạch chè không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu hóa học; sản phẩm chè hữu cơ sinh học cũng cho chất lượng cao, uống đậm vị, hương thơm tự nhiên.
Toàn huyện Võ Nhai hiện có trên 1.300ha diện tích trồng chè, trong đó, trên 60% được trồng bằng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao, sản xuất theo phương pháp giâm cành như: LDP1, LDP2, TRI777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…
Cây chè Võ Nhai được trồng và phát triển thành những vùng sản xuất tập trung ở xã Tràng Xá với các xóm: Thành Tiến, Tân Thành, Đồng Ruộng, Khuân Nang; xã Liên Minh với các xóm: Nhâu, Vang, Thâm, Nho; các xóm Ba Nhất, xã Phú Thượng và Chiến Thắng, xã Bình Long.
Sản phẩm chè Võ Nhai được đánh giá ngon với hương thơm, vị đượm không kém so với các vùng chè lân cận. Mặc dù vậy, những năm trước đây, giá bán chè của địa phương thường thấp hơn khá nhiều so với các vùng chè trong tỉnh.
Để nâng cao giá trị chè thương phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, huyện Võ Nhai đã triển khai nhiều giải pháp: Vận động người dân trồng mới, trồng thay thế diện tích chè già cỗi, kém hiệu quả bằng những giống chè cho năng suất, chất lượng cao; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến chè; hỗ trợ các hộ nghèo giống chè; hỗ trợ hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm; thay đổi tập quán canh tác của nông dân theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung… Huyện cũng dành kinh phí hỗ trợ bà con sản xuất chè theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Nhờ các giải pháp đúng đắn, đông đảo bà con nông dân các làng nghề, hợp tác xã (HTX), nông dân trồng chè trên địa bàn huyện đã dần chuyển đổi sang hướng sản xuất an toàn, hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị và tính cạnh tranh cho sản phẩm chè Võ Nhai. Đến nay, toàn huyện đã có trên 250ha chè được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước kết hợp với chế biến theo công nghệ tiên tiến.
Quan trọng hơn, giá bán chè thành phẩm của bà con nông dân vùng cao Võ Nhai đã tăng từ 30-40% so với trước kia và đạt mức trung bình từ 150-180 nghìn đồng/kg, rút ngắn khoảng cách về giá bán chè với các địa phương lân cận.
Là địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất huyện, xã Liên Minh hiện có gần 400ha chè, cho sản lượng khoảng 4.000 tấn chè búp tươi mỗi năm. Ông Nguyễn Hữu Trong, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh, thông tin: Chúng tôi định hướng và hỗ trợ để HTX, làng nghề phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, nâng cao giá trị thương phẩm.
Trong số các HTX, làng nghề sản xuất chè ở xã, HTX Nông sản an toàn Liên Minh đi vào hoạt động từ năm 2018 với chỉ 10 thành viên. Khi đó, giá chè khô ở thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt 130 nghìn đồng/kg, do tư thương “chê” chè không đẹp nước, hương không thơm. Nguyên nhân được xác định do bà con lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không tuân thủ quy trình sản xuất.
Chị Hoàng Thị Hải, Giám đốc HTX cho biết: Để khắc phục, chúng tôi đã chủ động tìm kiếm các khóa đào tạo, lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ để đưa xã viên đi học tập, đồng thời vận động bà con chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Nhờ đó, hiện nay, HTX không chỉ nâng số thành viên lên 50 hộ và 31 hộ hợp tác với tổng diện tích chè trên 51ha mà còn nâng giá trị sản phẩm lên tới gần 50%.
Tuy nhiên, thành công của HTX Nông sản an toàn Liên Minh chỉ là một trong những trường hợp hiếm hoi ở vùng cao Võ Nhai. Theo khảo sát của chúng tôi, giá bán của chè Võ Nhai vẫn thấp hơn từ 20-30% so với các địa phương lân cận. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy, ở địa phương này còn khá nhiều hộ dân vẫn chưa mạnh dạn đầu tư cho cây chè, sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích chè được lắp hệ thống tưới nước tự động còn ít, chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
Cùng với đó, nhiều bà con trồng chè trên địa bàn chưa chú trọng đến khâu đóng gói sản phẩm, chưa chủ động khai thác thị trường tiêu thụ… Một nguyên nhân quan trọng khác là giá trị thương hiệu chè Võ Nhai hiện còn khiêm tốn so với các địa phương khác trong tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Minh Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai, cho biết: Huyện đang tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chè theo định hướng sản xuất chè sạch, chè an toàn. Đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị thương hiệu chè Võ Nhai. Riêng năm 2022, chúng tôi đang triển khai hỗ trợ bà con phát triển thêm 100ha diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, 20ha diện tích lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước; hỗ trợ thêm một số máy móc, thiết bị, nhãn mác, bao bì sản phẩm giúp bà con nông dân nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm chè vùng cao. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu, nâng giá trị chè Võ Nhai tiệm cận với giá chè của các địa phương lân cận.