BVR&MT – UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành công văn số 2784/UBND-CNNXD về tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động khai thác cát, sỏi nhằm đảm bảo làm tốt hơn nữa công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.
Theo đó, liên quan nội dung này, trước đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian gần đây, trên địa bàn một số tỉnh, thành phố xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, gây mất an toàn đến đời sống người dân trong khu vực, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hoạt động khai thác khoáng sản, cát sỏi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, thực hiện Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát số liệu về công tác quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông (công tác quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; tài nguyên trữ lượng đã cấp/đã khai thác/trữ lượng còn lại; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm (số vụ việc, hành vi vi phạm, số tiền phạt …); kiến nghị các biện pháp quản lý tiếp theo, báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công suất khai thác của các mỏ cát, sỏi trên địa bàn. Việc cấp phép khai thác tuân thủ theo quy định pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, bảo đảm không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng – an ninh; an toàn giao thông cũng như cho các công trình thuộc Dự án đường cao tốc. Việc khai thác cát, sỏi không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông. Yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác, không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông.
Đối với các tỉnh, khu vực được Chính phủ cho phép nâng công suất khai thác cát san lấp phục vụ các dự án đường cao tốc, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu trong việc điều chỉnh công suất theo quy định, trường hợp phát hiện xảy ra tình trạng sạt lở phải yêu cầu dừng ngay hoạt động khai thác và triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục.
Tại tỉnh Thái Nguyên, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, trong đó có cát, sỏi lòng sông đã được địa phương thường xuyên quan tâm, tăng cường quản lý chặt chẽ từ hoạt động thăm dò đến cấp phép khai thác khoáng sản cát sỏi. Tuy nhiên để làm tốt hơn nữa cũng như thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, công suất khai thác của các mỏ sát, sỏi trên địa bàn đảm bảo không gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phòng chống sạt lở và tai biến địa chất, bảo đảm đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng an ninh, an toàn giao thông; không làm thay đổi dòng chảy, không gây sạt lở lòng, bờ, bãi sông;
Yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác phải thiết lập hệ thống và thực hiện quan trắc, giám sát tác động xói lở lòng, bờ sông theo quy định; trường hợp phát hiện xảy ra tình trạng sạt lở phải yêu cầu dừng ngay hoạt động khai thác và triển khai các biện pháp khắc phục. Đồng thời, kiên quyết xử lý các các hành vi vi phạm liên quan đến việc khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trái phép theo đúng quy định của pháp luật.
Hậu Thạch