BVR&MT – Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân TP. Sông Công tích cực triển khai với nhiều đổi mới, sáng tạo. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ, trang trại tổng hợp, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Đến thăm gia đình ông Bùi Xuân Đón ở tổ dân phố Tân Sơn, phường Châu Sơn, chúng tôi ấn tượng về mô hình trồng cây ăn quả tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, không gian thoáng đãng, môi trường sống trong lành. Được biết, năm 2018, sau khi nghỉ chế độ, vợ chồng ông quyết định “bỏ phố về làng” cải tạo mảnh đất nằm ven sông Công. Với diện tích gần 20.000m2, ông dành trên 7.000m2 trồng thanh long ruột đỏ.
Hiện tại, gia đình có hơn 2.000 trụ thanh long cho thu hoạch trên 10 tấn quả/năm; với giá bán từ 30-35 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, trong vườn còn trồng 300 cây ổi, hơn 100 cây bưởi Diễn, gần 100 cây mít, hồng xiêm, nhãn, bơ…
Chia sẻ về cách làm, ông Đón cho biết: Mô hình bố trí sản xuất xen ghép, lấy ngắn nuôi dài. Với việc chủ yếu dùng phân hữu cơ, có hệ thống tưới tiêu đảm bảo nên các sản phẩm đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Những mô hình kinh tế có thu nhập hàng trăm triệu như gia đình ông Đón xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn TP. Sông Công. Điển hình như hộ gia đình chị Vũ Thị Tuyết Nhung ở tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn, với mô hình kinh doanh tổng hợp khép kín, đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, nuôi gà thương phẩm. 3 trại chăn nuôi đã đem lại thu lãi 1,8 tỷ đồng/năm.
Mô hình trồng hoa, cây cảnh và kinh doanh dịch vụ tổng hợp của anh Trần Tuấn Anh, xóm Tân Tiến, xã Bình Sơn, đem lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức tiền công trung bình từ 7,5-8 triệu đồng/tháng.
Hộ gia đình anh Ngô Ngọc Tú, ở tổ dân phố Sơn Tía, phường Châu Sơn, với mô hình chăn nuôi lợn lái và lợn thịt đem lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm…
Để có được kết quả này, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia phong trào, các cấp hội nông dân thành phố đã chủ động phối hợp với chính quyền, cơ quan chuyên môn tích cực hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, kỹ thuật sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, Hội Nông dân thành phố đã nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ gần 70 tỷ đồng cho hơn 900 lượt hộ vay vốn, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT với dư nợ 28,7 tỷ đồng cho gần 200 hộ vay vốn; Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt với dư nợ 1,2 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ nông dân là 4,6 tỷ đồng.
Trung bình mỗi năm, Hội Nông dân thành phố phối hợp tổ chức từ 50-60 lớp chuyển giao khoa học – kỹ thuật, đào tạo nghề cho hơn 3.000 lượt lao động. Ngoài ra, Hội cũng chỉ đạo các cấp hội cơ sở tiến hành đăng ký, bình xét, bình chọn và tuyên dương gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Riêng năm 2023, toàn thành phố có gần 5.000 hộ đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; qua bình xét có 2.548 hộ đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi từ cấp cơ sở trở lên.
Ông Trần Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân TP. Sông Công, cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động và phương thức tổ chức các hoạt động, phong trào nông dân. Từ đó khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường, sáng tạo vượt khó vươn lên, phát triển nông thôn bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, góp phần xây dựng TP. Sông Công trở thành đô thị loại II “Xanh, sạch, văn minh, hiện đại”…