BVR&MT – Với quan điểm mọi xóm, bản đều được hưởng thành quả của sự phát triển và “không ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Thái Nguyên đang đầu tư làm đường bê-tông đến những xóm, bản cuối cùng, mở hướng để đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
Xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai có 7 xóm, trong đó 3 xóm vùng cao có 100% đồng bào H’Mông sinh sống là Lũng Luông, Lũng Cà và Lũng Hoài với tổng số 240 hộ dân, chiếm hơn 40% dân số toàn xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Nung Ma Văn Hoàng kể, 7 năm trở về trước, đường lên 3 xóm đồng bào H’Mông rất nhiều khó khăn. Lũng Luông chỉ cách trung tâm xã 8 km, nhưng phải trèo đèo, leo núi cả buổi. Nên mỗi khi chúng tôi vào xóm họp chi bộ, họp với dân, thì phải đi từ chiều hôm trước, đến xóm ngủ ở nhà Bí thư Chi bộ Lý Văn Mùa để sáng hôm sau họp.
Năm 2014, tỉnh Thái Nguyên ban hành đề án 2037 về phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, các tuyến đường bê-tông lên Lũng Luông, Lũng Cà và Lũng Hoài được đầu tư. Tuy nhiên, tuyến đường lên Lũng Luông mới được đầu tư đến đầu xóm.
Xóm Lũng Luông có 113 hộ đồng bào dân tộc H’Mông, đường bê-tông được đầu tư theo Đề án 2037 đến đầu xóm, từ đầu xóm đến khu vực Thâm Tâm có vài chục hộ dân sinh sống, vẫn không có đường, người dân đi bộ men theo sườn núi, lội suối để đi lại. Bí thư Chi bộ Lý Văn Mùa bảo, mong ước có đường thông suốt của đồng bào mới được một nửa.
Đáp ứng mong đợi của đồng bào và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực Thâm Tâm và cả xóm Lũng Luông, đầu năm 2021, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên tổ chức đầu tư xây dựng tuyến bê-tông từ trung tâm xóm Lũng Luông lên khu vực Thâm Tâm và bắt đầu thi công từ đầu tháng 7/2021.
Địa thế Lũng Luông cao hơn hẳn so với trung tâm xã Thượng Nung, dù đã có đường bê-tông lên xóm, nhưng là đường độc đạo nên vận chuyển vật liệu lên làm tuyến đường ở Lũng Luông gặp nhiều khó khăn. Đội trưởng thi công Lê Quốc Dân cho biết: Đường nhỏ, quanh cua liên tục, toàn lên dốc nên phải dùng ô-tô tải nhỏ chở xi-măng, cát, đá nên chi phí tăng cao; khi ô-tô bắt đầu chở vật liệu lên công trường, hoặc từ công trường ra thì phải có người canh ở hai đầu, vì nếu gặp ô-tô ngược chiều là không thể tránh nhau được.
“Địa thế cao hơn hẳn so với trung tâm xã nên thời tiết ở Lũng Luông mưa nắng thất thường, từ giữa tháng 8 mà đêm ngủ đã phải đắp chăn, đang nắng đấy mà chỉ lúc sau mưa lớn, xuất hiện lũ quét. Từ khi khởi công tuyến đường có tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ đồng, nhưng đến nay đã bị 3 đợt lũ quét, trôi mất khối lượng đã thi công, vật liệu, thiệt hại hơn 100 triệu đồng thì nhà thầu chúng tôi không có lãi. Nhưng chia sẻ với khát khao lớn lao của người dân, chúng tôi nỗ lực khắc phục khó khăn, đưa tuyến đường vào sử dụng trước tiến độ 2 tháng”, anh Dân tâm sự.
Vì sự phát triển chung, bà con vui vẻ hiến đất làm đường, cho mượn mặt bằng để tập kết vật liệu, giúp nhà thầu chỗ ở để thi công tuyến đường. Đổi lại, đơn vị thi vượt khó để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng tuyến đường, đồng thời sử dụng nhân lực, máy xúc, xăng dầu giúp bà con san nền nhà, san gạt mặt bằng để sản xuất miễn phí. Ông Vương Văn Vàng, người dân xóm Lũng Luông vui mừng, ít ngày nữa là thi công xong đường, bà con vận chuyển hàng hoá dễ dàng, các cháu đi học thuận lợi, mong đợi bấy lâu nay thành hiện thực.
Thượng Nung là xã vùng xa, kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Ma Văn Hùng cho biết, tuyến đường từ trung tâm xóm Lũng Luông vào khu vực Thâm Tâm được mở mới, đổ bê-tông là tuyến cuối cùng trên địa bàn xã được đầu tư, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thực hiện đề án 2037, tỉnh Thái Nguyên đổ bê-tông hơn 40 km đường giao thông từ trục chính đến tất cả các xóm, bản có đông đồng bào H’Mông, cao nhất trên địa bàn tỉnh, góp phần phục vụ đời sống dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội tại vùng sâu, vùng xa.