BVR&MT – Dù đã được công nhận về đích nông thôn mới từ năm 2016 song, thời điểm đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã Lâu Thượng vẫn còn ở mức cao với 258 hộ, chiếm 14,55%, cận nghèo là 151 hộ chiếm 7,9%. Bằng nhiều giải pháp hiệu quả, đến nay, xã chỉ còn 44 hộ nghèo, chiếm 2,27%, 106 hộ cận nghèo, chiếm 5,49% và trở thành điểm sáng của huyện Võ Nhai trong công tác giảm nghèo.
Xã Lâu Thượng có 11 xóm với 1.931 hộ, hơn 7.000 nhân khẩu, trong đó trên 60% là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Trịnh Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để giúp người dân thoát nghèo, địa phương đã thành lập Ban giảm nghèo với 20 thành viên, chủ chốt là lãnh đạo UBND và các hội đoàn thể trong xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, mỗi người phụ trách 2-3 xóm. Các thành viên trực tiếp rà soát, xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nghèo. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ, khơi dậy ý chí tự lực của người dân vươn lên thoát nghèo.
Trong công tác giảm nghèo, xã Lâu Thượng đặc biệt chú trọng đến tạo sinh kế bền vững, việc làm tại chỗ nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo. Xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tổ chức hoạt động giúp đỡ hộ nghèo như: Tư vấn giới thiệu việc làm; hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…
Điển hình như Hội LHPN xã, từ năm 2018 đến nay, Hội đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG tư vấn giới thiệu cho 165 lao động làm việc tại Nhà máy may TNG Võ Nhai; phối hợp cùng các công ty, đơn vị tổ chức hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động cho trên 500 lượt người, làm hồ sơ cho 18 lao động vay vốn đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn tại Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc với mức thu nhập từ 15-17 triệu đồng/tháng…
Bên cạnh đó, người dân cũng được hỗ trợ tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng để phát triển kinh tế. Tính đến nay, dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã là hơn 20 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay này, các hộ tập trung trồng rừng keo; phát triển vườn cây ăn quả; chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo; mở rộng sản xuất kinh doanh… Qua đó, giúp nhiều hộ vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Đơn cử như tại xóm Yên Ngựa, từ chỗ có 16/71 hộ nghèo năm 2016, đến nay, xóm đã xóa hoàn toàn hộ nghèo. Bà Triệu Thị Huệ, Bí thư Chi bộ xóm chia sẻ: Nếu như trước đây, người dân trong xóm chủ yếu trồng lúa, ngô thì nay đã chuyển thành những vườn cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập của các hộ dân trong xóm duy trì từ 50-300 triệu đồng/năm.
Theo ông Trịnh Thanh Tùng, mặc dù đạt được nhiều kết quả, song chương trình giảm nghèo trên địa bàn vẫn gặp nhiều thách thức bởi tiềm ẩn một số trường hợp có nguy cơ tái nghèo. Nếu nâng chuẩn nghèo đối với xã đã về đích nông thôn mới (áp dụng từ năm 2022) thì tiêu chí về giảm nghèo của xã Lâu Thượng sẽ khó đạt.
Do vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung các giải pháp phát triển tiểu thủ công nghiệp, mở rộng diện tích cây ăn quả với các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, đẩy mạnh công tác giới thiệu việc làm cho người lao động, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận nguồn vốn chính sách, các dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục, nhà ở và nước sinh hoạt…