BVR&MT – Không thể phủ nhận giá trị kinh tế từ ngành chăn nuôi mang lại đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tuy nhiên, thực tế mặt trái của chăn nuôi lại là mối nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Để vừa phát triển chăn nuôi, vừa đảm bảo môi trường, những năm gần đây, huyện Đại Từ đã có nhiều giải pháp giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Từ có 66 trang trại, 412 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, với trên 10.500 con trâu, trên 800 con bò, trên 70.000 con lợn và khoảng 1.500.000 con gia cầm. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người chăn nuôi, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn. Bên cạnh đó, địa phương tăng cường tuyên truyền tới chủ cơ sở về các hành vi bị cấm, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Huyện đã giao trách nhiệm cho lãnh đạo các xã, thị trấn: Trường hợp để xảy ra vi phạm pháp luật về xả nước thải chăn nuôi ra môi trường không được phát hiện kịp thời, xử lý không kiên quyết, dứt điểm thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, cũng như quy định của pháp luật hiện hành.
Để quản lý môi trường tại các trang trại trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật, UBND huyện đã phối hợp với Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của tỉnh để thẩm định và đề nghị UBND tỉnh xác nhận 9 báo cáo đánh giá tác động môi trường của các trang trại trên địa bàn huyện thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Sau khi được xác nhận, chủ dự án nộp kế hoạch thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường để niêm yết tại trụ sở UBND các xã (nơi có trang trại). Cùng với đó, huyện xác nhận hồ sơ bảo vệ môi trường cho 28 trang trại chăn nuôi thuộc thẩm quyền cấp huyện, đồng thời hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xác nhận cam kết bảo vệ môi trường cho 412 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ thuộc thẩm quyền của xã, thị trấn theo quy định.
Cùng với đó, hằng năm huyện tổ chức kiểm tra các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn. Trong năm 2020 và năm 2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ trên địa bàn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã nhắc nhở và yêu cầu chủ cơ sở thực hiện bổ sung các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi theo quy định.
Cũng qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện còn một số trang trại chăn nuôi chưa thực hiện tốt trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Từ đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND huyện đề nghị UBND tỉnh xử lý vi phạm hành chính đối với 4 trang trại của các hộ dân: Ông Trần Văn Khách, thị trấn Quân Chu; ông Lý Văn Thiệp, xã Văn Yên; ông Đặng Đức Khang và ông Thân Văn Hùng, xã Cát Nê. Tổng số tiền xử phạt là 843 triệu đồng. Ngoài ra, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND huyện ban hành 3 quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 3 cơ sở trên địa bàn 3 xã, thị trấn là: Phú Xuyên, Na Mao và thị trấn Quân Chu, với tổng số tiền xử phạt là 42 triệu đồng. Đến nay, các trang trại đã thực hiện việc nộp số tiền xử phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Để vừa phát triển chăn nuôi vừa thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, huyện yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện tốt chức năng quản lý về đất đai, môi trường trong chăn nuôi đối với các trang trại, gia trại trên địa bàn. Kịp thời phát hiện xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền báo cáo UBND huyện để phối hợp xử lý đối với các vi phạm của các trang trại về môi trường. Người dân cũng cần tích cực tham gia cùng với cơ quan chức năng bằng việc thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các trang trại chăn nuôi trên địa bàn, nếu có sự cố bất thường xảy ra thì kịp thời thông tin với cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.