BVR&MT – Hạn hán do lượng mưa thấp kỷ lục và nắng nóng kéo dài đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp châu Âu, đồng thời gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay.
Tình trạng nắng nóng kéo dài đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân châu Âu, nhất là nông dân khi họ phải tìm mọi cách đối phó nạn hạn hán, cứu cây trồng và vật nuôi. Dưới cái nắng gay gắt giữa mùa hè tháng 7/2022, anh Giovanni Daghetta (G.Đa-ghét-ta) đi qua cánh đồng lúa cằn cỗi của mình tại tỉnh Pavia, vùng Lombardy ở Italia, anh cho biết, thông thường đến thời điểm này, mực nước ở ruộng cao khoảng 10cm với những thân cây lúa tươi tốt, nhưng năm nay chỉ có một số ít cây sống sót, do đợt hạn hán nghiêm trọng nhất xảy ra tại Italia trong 70 năm qua.
Những người nông dân như Daghetta làm nông nghiệp dựa vào nguồn nước từ sông Po. Tuy nhiên, mực nước tại sông Po hiện giảm hơn 80% so cùng kỳ hằng năm. Khô hạn còn kéo theo tình trạng xâm nhập mặn gia tăng ở các dòng sông, trong đó nước biển tại sông Po đã vào sâu kỷ lục 30,6km tính từ cửa biển. Hiệp hội nông dân Italia ước tính, ít nhất 30% sản lượng ngũ cốc năm nay đã bị mất trắng, gây thiệt hại hơn 3 tỷ euro. Các loại vật nuôi cũng bị ảnh hưởng, với sản lượng sữa bò giảm 10%.
Không chỉ Italia, nhiều quốc gia châu Âu đang đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Sau khi phải hứng chịu mùa đông khô bất thường, Tây Ban Nha đã trải qua ba đợt nắng nóng mạnh kể từ tháng 5, khiến cây trồng bị hư hại nghiêm trọng, nhất là cây ăn quả như ô-liu và nho. Ô-liu hiện là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Tây Ban Nha, với giá trị xuất khẩu khoảng 3,6 tỷ euro/năm. Hiệp hội nông dân COAG cho biết, cứ 10ha đất trồng ô-liu thì có 7ha không được tưới nước. Theo các chuyên gia, đợt hạn hán hiện nay tại châu Âu có liên quan việc lượng mưa giảm mạnh từ đầu năm nay. Tình trạng hạn hán càng trở nên nghiêm trọng hơn do các đợt nắng nóng đến sớm với nhiệt độ lên cao kỷ lục vào mùa hè. Theo báo cáo
Ủy ban châu Âu (EC) mới công bố, gần một nửa lãnh thổ Liên minh châu Âu (EU) đang thiếu nước do hạn hán. Theo đó, có đến 46% lãnh thổ của EU đang ở mức cảnh báo, tức là đất thiếu độ ẩm đáng kể, trong khi khoảng 11% lãnh thổ khác hiện ở mức báo động. EC cảnh báo, Pháp, Romania, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italia có thể đối mặt tình trạng giảm năng suất cây trồng do thiếu nước và nắng nóng. EU dự báo, hạn hán có thể khiến sản lượng ngô, hướng dương và đậu tương giảm từ 8% đến 9%.Nhiều giải pháp được đề ra nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp EU vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Đầu tháng 7 vừa qua, Chính phủ Italia đã ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán ở năm khu vực thuộc miền bắc nước này, đồng thời thông báo quỹ trị giá 36,5 triệu euro hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Về lâu dài, các chuyên gia đề xuất xây dựng thêm các hồ chứa nước, tối ưu hóa việc sử dụng nước bằng các hệ thống tưới tiêu thông minh và chuyển đổi giống cây trồng sang các loại cây ít sử dụng nước. Tuy nhiên, những biện pháp này đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian đầu tư dài hạn. Các nhà khoa học cho rằng, nắng nóng kéo dài gây hạn hán nghiêm trọng tại châu Âu thời gian qua là hậu quả của biến đổi khí hậu. Tình trạng này cho thấy các quốc gia cần nhanh chóng hành động, cùng chung tay ngăn cản hiện tượng nóng lên toàn cầu, cứu thế giới khỏi thảm họa do biến đổi khí hậu.