BVR&MT – Đến với Thạch Long (Thạch Thành – Thanh Hóa) hôm nay, không chỉ bắt gặp những đoàn viên thanh niên năng nổ, nhiệt tình, gắn bó với công tác cơ sở mà còn là những tấm gương đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từng theo học trường Trung học Sư phạm Thanh Hóa, ra trường trở về địa phương với những khó khăn của ngành học, anh Đoàn Quang Thuận (hiện tại là Bí thư Đoàn xã Thạch Long) đành tạm gác lại ước mơ trở thành thầy giáo để đi tìm cánh cửa mới cho riêng mình.
Với phong cách nhiệt tình, năng động, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương, năm 2011 anh được bầu làm Bí thư chi Đoàn thôn 2. Ngoài tích cực tham gia các hoạt động đoàn cơ sở, anh còn là người mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế. Thời gian đầu anh lựa chọn các mô hình như chăn nuôi gà thả vườn, vịt thả đồng, lợn rừng, nhím. Tuy nhiên các mô hình này rất khó phát triển so với khí hậu và thế mạnh của địa phương, bước đầu các mô hình này cũng đem lại hiệu quả thiết thực nhưng chưa đáp ứng với đồng vốn và công sức bỏ ra.
Đồng hành phát triển kinh tế năm 2012 anh được đoàn viên thanh niên trong xã tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Thạch Long. Đứng trước cơ hội và thấy được trách nhiệm của bản thân, anh Thuận luôn xác định mình phải là người đi đầu trong phong trào thanh niên xung kích phát triển kinh tế, là tấm gương để thanh niên địa phương noi theo. Với sự nỗ lực phấn đấu và đóng góp chuyên môn của mình năm 2015 anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Thạch Long.
Cũng trong năm 2012, qua tìm hiểu các mô hình thực tế và qua sách báo anh quyết định đầu tư vào mô hình nuôi ong dưới tán rừng. Anh Thuận chia sẻ: Lý do khiến anh mạnh dạn đầu tư vào mô hình này bởi vì nhận thấy điều kiện tự nhiên của địa phương có diện tích đất rừng phù hợp với nghề nuôi ong. Đầu năm 2012 anh đầu tư một đàn nuôi thử nghiệm, thấy có hiệu quả cao, bên cạnh đó lại thấy con ong dễ nuôi, ít bệnh tật, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” anh nhân dần số lượng bầy ong qua các năm và đến cuối năm 2016 số lượng đã lên tới 100 đàn. Với số lượng đàn ong như trên, trong năm 2016 sản lượng mật thu được khoảng 1 tấn, với giá bán trên thị trường khoảng từ 120 – 150 nghìn/kg, sau khi trừ các khoản chi phí cho thu nhập khoảng 100 triệu/ năm.
Ngoài những hiệu quả kinh tế từ nuôi ong đem lại thì anh cũng gặp phải không ít khó khăn. Theo anh Thuận khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật trong quá trình nuôi, chăm sóc và phòng trừ bệnh tật cho đàn ong. Cái khó nhất trong nuôi con ong theo kinh nghiệm cá nhân anh rút ra được đó là làm “tướng mới” để thay thế “tướng cũ” cũng như nhân đàn cho ong. Hàng năm muốn đàn ong phát triển mạnh và đến vụ mật cho năng suất cao thì phải thay “tướng mới”, con tướng sẽ quyết định đến chất lượng đàn ong. Vì vậy đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật và kinh nghiệm để có thể tạo ra được những con tướng khỏe. Một trăn trở lớn nữa của anh đó chính là tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi nếu mở rộng quy mô đàn ong thì sản lượng thu về khá lớn mà thị trường tiêu thụ lại bó hẹp, vì vậy anh cũng đề xuất với các cấp, các ngành tạo điều kiện đấu mối với các doanh nghiệp, công ty để cho sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng và ổn định hơn.
Với những thành quả có được từ sự đam mê học hỏi, dám nghĩ dám làm của anh không những đem lại kết quả thiết thực cho bản thân, mà mô hình nuôi ong của anh còn là một điểm sáng cho phong trào đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế trong địa bàn xã và toàn huyện. Anh cũng không ngần ngại giúp đỡ và luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật của mình cho các đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân trong vùng để nhân rộng mô hình nuôi ong, phát triển kinh tế nhằm nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân trên địa bàn.
Với cương vị là một Bí thư Đoàn xã vừa năng nổ, nhiệt tình với công tác Đoàn, Hội tại địa phương lại vừa sản xuất kinh doanh giỏi. Nhiều năm liền anh được trao tặng giấy khen, bằng khen như: giấy khen của Chủ tịch UBND huyện “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên khởi nghiệp” và “ công dân gương mẫu tiêu biểu năm 2016”, “ Đảng viên trẻ tiêu biểu giai đoạn 2010 – 2015” của Huyện ủy. Ngoài ra anh còn được Tỉnh Đoàn tặng bằng khen “ có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên năm 2016”.
Không chỉ nhanh nhẹn, sáng tạo trong phát triển kinh tế, anh Đoàn Quang Thuận còn được biết đến với vai trò là một cán bộ Đoàn được tín nhiệm tại địa phương. Trong thời gian đảm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn xã, anh cùng Ban chấp hành Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, thanh niên phát huy, cống hiến sức trẻ trên mọi lĩnh vực của đời sống, đặc biệt là trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra anh cũng tranh thủ thời gian nghiên cứu sách, báo cũng như đi tham quan các mô hình chăn nuôi cho hiệu quả cao và chia sẻ kinh nghiệm, tạo việc làm cho nhiều đoàn viên, thanh niên. Từ mô hình làm giàu của anh, nhiều thanh niên có thêm niềm tin trong phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tại quê nhà.
Bài, ảnh: Xuân Tá