BVR&MT – Tết xưa, tết nay – mỗi khi tết đến xuân về luôn là chủ đề được nhiều người quan tâm. Có thể nói chưa bao giờ câu chuyện ngày tết lại trở nên sôi động và được dư luận quan tâm nhiều như vừa qua. Theo thời gian, “tết” đã có nhiều thay đổi, những thay đổi mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đó là việc đi chợ tết, dọn nhà đón tết, gói bánh chưng mỗi năm lại có sự thay đổi.
Đi chợ tết
Thói quen mua sắm Tết vẫn được giữ gìn từ Tết xưa đến Tết nay. Ngày xưa, vào những ngày giáp Tết các gia đình đều đi chợ quê sắm sửa quần áo, đồ dùng, thực phẩm cho những ngày tết. Tết xưa là những sự chuẩn bị kéo dài suốt cả năm trời. Đầu tháng giêng, những bà mẹ nông thôn ra vườn dặm những bụi dong để Tết có lá đẹp gói bánh chưng. Ngày ấy, nhiều gia đình ở nông thôn vẫn trồng lá dong để gói bánh chưng vào mỗi dịp lễ hội, tết cuối năm. Nếu như trước đây, để chuẩn bị cho ngày tết cổ truyền của dân tộc, các gia đình phải dành dụm cả năm trời. Ở quê tôi, chợ được họp theo phiên: Những ngày có số 0, 2, 5, 7 và chỉ họp vào buổi sáng. Còn với những ngày giáp tết, thông thường, được tính từ ngày 22 tháng Chạp, khi các gia đình chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, ban thờ tổ tiên và cúng ông Công, ông Táo cuối năm. Chỉ riêng những ngày 29, 30 tết là chợ họp cả ngày.
Chợ tết cuối năm nhằm phục vụ cho nhu cầu mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết gồm nhiều mặt hàng, nhưng nhiều nhất là các mặt hàng phục vụ cho tết Nguyên đán như lá dong, gạo nếp để gói bánh chưng hoặc nấu xôi, gà trống, các loại trái cây để bày mâm ngũ quả để cúng tổ tiên… Ngày trước, những người buôn bán hầu như sẽ nghỉ bán hàng trong những ngày Tết, những ngày đầu năm mới không họp chợ, nên nhà nhà đều phải mua sẵn để dùng cho đến khi có chợ họp trở lại. Chính vì thế, nhu cầu mua sắm trong những ngày này rất cao. Vào những phiên chợ tết đầu tiên, các mặt hàng như gạo nếp, các nguyên liệu như mắm, muối thường bán được nhiều hơn. Đến ngày cuối cùng của năm thì các mặt hàng như thịt lợn, giò, lá dong gói bánh cùng các nguyên liệu làm bánh, bánh kẹo để ăn trong những ngày tết, mứt tết, hoa quả để cúng tổ tiên, gà… được mua nhiều nhất.
Ngày nay, đời sống của người dân ngày càng phát triển, đời sống vật chất của con người ngày càng được đáp ứng đầy đủ, phong phú hơn. Để sắm soạn tết cho gia đình chỉ cần lên danh sách những thứ cần mua và đi siêu thị, đi chợ sắm Tết, thậm chí nếu không muốn xếp hàng chờ đợi tính tiền ở siêu thị nhiều người online trên mạng, alo một cú điện thoại đã có ngay một cái Tết tươm tất.
Gói bánh chưng
“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” là nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến xuân về. Bánh chưng là món ăn đặc biệt trong những ngày tết không thể thiếu đối với người Việt. Tết xưa cả gia đình quây quần cùng gói bánh chưng bên nhau, mỗi người phụ trách một việc: Lau lá, tra gạo, làm nhân bánh, giàng bánh. Vui nhất là cảnh các thành viên trong gia đình quây quần bên bếp lửa chờ bánh chín, sau đó vớt từng chiếc bánh ra thả vào chậu nước lạnh, rồi vớt lên lăn qua lăn lại cho thật đều để bánh được rền, dẻo.
Ngày nay, nhiều gia đình bận rộn với công việc và không có không gian để gia đình có thể cùng nhau quây quần gói bánh chưng, thay vào đó họ chọn cách mua bánh chưng làm sẵn để tiết kiệm thời gian và công sức. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều gia đình còn giữ được nét truyền thống của gia đình, đó là gói bánh chưng tại nhà hoặc rủ hàng xóm, bạn bè cùng nhau cùng gói bánh chưng chung mang không khí, hơi ấm Tết về với gia đình, cũng như chia sẻ cho con cháu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
Dọn nhà đón tết
Trong quan niệm của người Việt, nhà cửa trong những ngày Tết phải gọn gàng, sạch sẽ thì gia chủ mới đón nhận nhiều tài lộc, may mắn vào nhà. Qua thời gian, việc tân trang nhà đón Tết đã thay đổi theo hướng mang đến một không gian sống đẹp và thoải mái hơn chứ không chỉ gói gọn trong việc dọn dẹp, làm sạch nhà cửa như ngày xưa.
Ngày xưa, trước tết dù có bận rộn đến mấy thì những ngày cuối năm các thành viên trong gia đình cũng sẽ cùng nhau quét vôi trắng cho tường, cổng và hàng rào như là cách để khoác áo mới cho ngôi nhà. Trong ký ức của nhiều người, đây là khoảng thời gian dọn dẹp vô cùng bận rộn vì phải sắp xếp gọn gàng và tẩy rửa mọi ngóc ngách của nhà nhưng mang lại niềm vui bình dị khó phai mờ trong mỗi người.
Ngày nay, với sự phát triển của hàng loạt các dịch vụ trong đó có dịch vụ dọn dẹp nhà đón tết. Nhiều gia đình lựa chọn dịch vụ này thay vì tự mình và các thành viên trong gia đình làm để tiết kiệm thời gian làm những việc khác.
Việc trang hoàng cho ngôi nhà cũng thay đổi rất nhiều. Ngày trước việc trang hoàng ngôi nhà chỉ đơn giản là dọn dẹp gọn gàng, ngăn nắp, sơn mới hoặc đơn giản là lau dọn ban thờ tổ tiên, thay những cành hoa mới trên bàn thờ tổ tiên. Ngày nay, bên cạnh dọn dẹp, làm mới ngôi nhà, các gia đình có điều kiện còn đặc biệt chú trọng đến việc trang trí ngôi nhà trong những ngày tết như: Mua hoa, cây cảnh, đèn nháy, các đồ vật trang trí…
Dù tết ngày nay đã có nhiều thay đổi từ những ngày chuẩn bị cho đến những ngày tết nhưng những nét truyền thống của tết cổ truyền vẫn được gìn giữ và phát huy bao đời nay với những nét đẹp không bị mai một, phai mờ theo năm tháng:
“Mỗi năm hoa đào nở,
Lại thấy ông đồ già,
Bày mực tàu giấy đỏ,
Bên phố đông người qua…”
Thạch Thảo