BVR&MT – Với diện tích bề mặt boong tàu gần bằng diện tích của một sân bóng đá, Manta – chiếc tàu chuyên thu gom chất thải dẻo trên đại dương – đã trở thành sản phẩm nổi bật nhất trong ngày đầu tiên diễn ra Triển lãm quốc tế về các phát minh lần thứ 46 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Được thiết kế dựa trên những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực tự cung cấp năng lượng sạch, tàu Manta có chiều dài 70m, chiều rộng 49 m và chiều cao 61 m. Con tàu này có khả năng vận hành tối đa để có thể di chuyển nhanh chóng tới những khu vực đại dương bị ô nhiễm nặng, dọc theo các bờ biển hoặc tại các cửa sông.
Theo người quản lý dự án đóng tàu Manta Marc Lebrun, con tàu trên sẽ được trang bị hệ thống lực đẩy hybrid hoạt động bằng năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời và các cánh buồm Dyna-Rigg. Hai máy phát điện năng lượng gió với công suất 500 kw/giờ sẽ kích hoạt các động cơ của tàu và nạp điện cho hệ thống pin được lắp đặt trên tàu.
Điểm nổi bật nhất của tàu Manta là nó được thiết kế một hệ thống xử lý chất thải dẻo bao gồm các chức năng như thu hồi, phân loại, làm cô đặc và lưu trữ các chất thải.
Ngoài ra, để tăng cường khả năng ngăn chất thải đổ ra các đại dương, tàu cũng sẽ được trang bị một phòng thí nghiệm để xác định vị trí địa lý, số lượng và chất lượng của các chất thải. Những dữ liệu này sau đó sẽ được chia sẻ cho cộng đồng quốc tế.
Cũng theo ông Lebrun, tàu Manta khi được hoàn thành sẽ có khả năng thu hồi và xử lý gần 10 tấn chất thải dẻo mỗi ngày. 40 thủy thủ sẽ hoạt động trên tàu, trong đó 8 người chịu trách nhiệm điều khiển tàu và số còn lại sẽ điều khiển hệ thống xử lý chất thải dẻo trên boong tàu. Chi phí chế tạo tàu này khoảng 30 triệu euro (37 triệu USD).