BVR&MT – Việc nhiều nhà máy điện gió, mặt trời đi vào vận hành trong một thời gian ngắn đã gây quá tải cho hệ thống lưới điện từ 110kV – 500kV. Nguyên nhân chính là do việc đầu tư các dự án lưới điện truyền tải không theo kịp với tiến độ xây dựng những nhà máy điện mặt trời.
Cụ thể, thời gian xây dựng một nhà máy điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, trong khi để hoàn thành một dự án lưới điện truyền tải mất từ 3 đến 5 năm.
Doanh nghiệp gặp khó bởi hành lang pháp lý và hạ tầng quá tải
Gần đây, các doanh nghiệp đầu tư NLTT đã phản ánh lên các cơ quan chức năng về tình trạng giảm phát NLTT của các nhà máy điện gió và điện mặt trời, lý do bởi hạ tầng lưới điện không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng trong thời gian qua.
Tại Ninh Thuận, chỉ tính riêng khu vực huyện Thuận Nam, 9 dự án năng lượng tái tạo có công suất gần 250MW đều bị giảm phát. Trung bình, mỗi dự án lên lưới 110kV đều giảm phát từ 50-60%. Các hợp đồng mua bán điện đều không có điều khoản giảm phát hay quá tải đường dây, dẫn tới thiệt hại hàng chục tỷ đồng mỗi tháng đối với các doanh nghiệp. Dự kiến, tới năm 2020, EVN sẽ nâng cấp thành công hệ thống truyền tải 110kV và 220kV tại Ninh Phước, Thuận Nam và Tháp Chàm 2 đi Phan Rí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giải tỏa 100% công suất các dự án, hệ thống lên lưới này vẫn không khả thi nếu không được điều tiết bởi hệ thống truyền tải 500kV.
Ngoài ra, hành lang pháp lý cũng là một rào cản làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng cũng như kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng các nhà may NLTT, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực NLTT.
Cụ thể, do thay đổi thẩm quyền bổ sung quy hoạch, hiện nay hàng loạt nhà máy NLTT không thể triển khai. Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực theo thẩm quyền vào thời điểm cuối năm 2018 (tháng 12/2018). Nếu dự án được duyệt bổ sung quy hoạch vào năm 2018 thì thẩm quyền bổ sung Quy hoạch điện lực thuộc Bộ Công Thương. Tuy nhiên, do thời điểm được Thủ tướng đồng ý lại vào những ngày cuối năm 2018 nên sau ngày 1/1/2019, thẩm quyền xem xét bổ sung quy hoạch thuộc về Thủ tướng Chính phủ theo Luật Quy hoạch số 21-2017/QH14 ngày 24/11/2017, với quy trình UBND tỉnh là cơ quan trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thẩm định. Việc thực hiện quy trình thẩm định, phê duyệt áp dụng theo Luật Quy hoạch, trong khi dự án đã được Bộ Công Thương thẩm định xong.
Quyết định số 11/2017/QĐ/TTg ngày 11/4/2017 hết hiệu lực từ ngày 1/7/2019, từ đó đến nay chưa có cơ chế, chính sách mới để áp dụng với các vấn đề nổi cộm nhất hiện nay liên quan đến việc xác định mức giá bán điện (Feed-in-tariff: FiT) và áp dụng cơ chế đấu thầu. Trong đó để việc triển khai được thành công cơ chế đấu thầu, một khối lượng công việc lớn cần phải chuẩn bị là tất yếu, sẽ có thể còn mất thêm nhiều thời gian hơn nữa. Sự chuẩn bị bao gồm cả về cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện, cần thiết có thể phải làm thí điểm trước khi làm chính thức. Việc này đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian và có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư vào vận hành để góp phần giảm áp lực mất cân đối cung cầu điện trong những năm tiếp theo.
Trước tình hình đó, các tỉnh đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực NLTT như Bình Thuận và Ninh Thuận đã có một số đề suất một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo môi trường tốt để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực NLTT.
Cụ thể, các tỉnh và nhà đầu tư cùng chung quan điểm giao Bộ Công thương thực hiện các thủ tục bổ sung Quy hoạch dự án theo quy định và hướng dẫn tại Nghị Quyết số 110/NQ-CP ngày 2/12/2019. Đồng thời, cho phép dự án thực hiện cơ chế phát triển điện mặt trời theo giá mua điện đã được Bộ Công thương đề xuất (FIT).
Quan trọng nhất, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế mới về điện mặt trời để khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam về sự an toàn, nhất quán và ổn định của môi trường đầu tư trong việc thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào Việt Nam, đưa kinh tế Việt Nam cất cánh, khẳng định vị thế trong khu vực. Hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đối với COP 21, đưa Việt Nam trở thành điểm đến thu hút hầu hết các nhà đầu tư Năng lượng hàng đầu thế giới. Đồng thời thực hiện theo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ký tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Chung tay xây dựng hạ tầng lưới điện
Đó là đề xuất của EVN đối với các doanh nghiệp đang đầu tư NLTT tại các tỉnh Nam Trung bộ trước thực tế hạ tầng lưới điện quá tải trầm trọng. Để tháo gỡ khó khăn trong việc giải tỏa công suất điện mặt trời tại các tỉnh Nam Trung bộ, EVN đề xuất lắp đặt tạm hai trạm biến áp 220kV (Vĩnh Tân và Phước Thái), dự kiến hoàn thành trong quý 2/2020. Các trạm này sẽ cơ bản giải tỏa hết công suất cho những nhà máy điện mặt trời được đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2019.
Báo cáo EVN cho biết, các nhà máy năng lượng tái tạo đi vào vận hành thời điểm tháng 7/2019, với cấu hình lưới điện hiện tại và khi tất cả các nguồn điện cùng phát ở công suất thiết kế, có rất nhiều phần tử đầy, quá tải. Đó là máy biến áp 500kV Di Linh (quá tải 140%); máy biến áp 220kV Tháp Chàm 2 (quá tải 115%); máy biến áp 220kV Đại Ninh (quá tải 140%)… Đặc biệt, trục đường dây 110kV Tháp Chàm – Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí (quá tải từ 260 – 360%); đường dây 220kV Đa Nhim – Đức Trọng (quá tải 105%); Đức Trọng – Di Linh (quá tải 110%)…
Để đáp ứng tiến độ trên, EVN đã đề xuất các chủ đầu tư nhà máy điện năng lượng tái tạo đầu tư lắp đặt trạm, sau khi hoàn thành cho EVN thuê vận hành. EVN cũng kiến nghị tỉnh Ninh Thuận chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về cơ chế thực hiện.
Đồng thuận xã hội hóa xây dựng hạ tầng lưới điện
Từ đề xuất xã hội hóa hạ tầng của EVN bởi tình trạng hạ tầng quá tải, các tỉnh và các doanh nghiệp đang đầu tư NLTT tỏ ra hào hứng và sẵn sàng chung tay cùng Tập đoàn Điện lực, Bộ Công thương và Chính phủ nhằm tháo gỡ sự quá tải trầm trọng của hạ tầng lưới điện hiện nay.
Tại văn bản 8155/BCT-ĐL của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính Phủ về việc đề xuất cho tư nhân đầu tư nhà máy NLTT kết hợp TBA 500kV và các đường dây đấu nối tỉnh Ninh Thuận vào quy hoạch lưới điện quốc gia. Sau khi Bộ Công thương có văn bản số 6710/BCT-ĐL lấy ý kiến các bộ: Kế Hoạch – Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an, Quốc phòng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã nhận được sự đồng thuận của tất cả các bộ, ngành liên quan.
Với sự đồng thuận trên, Bộ Công thương đã có đề xuất với Chính phủ về việc doanh nghiệp đầu tư nhà máy NLTT kết hợp đầu tư hạ tầng là phù hợp với chủ trương phát triển NLTT ở khu vực Nam Trung bộ, đặc biệt là tỉnh Ninh Thuận đã được Chính phủ ra Nghị quyết 115/NQ-CP là Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trong văn bản trên, Bộ Công thương nhấn mạnh, việc bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời kết hợp trạm biến áp 500kV và các đường dây đấu nối trong giai đoạn hiện nay đáp ứng được các tiêu chí: góp phần bổ sung nguồn cho hệ thống, giảm nguy cơ thiếu điện miền Nam, giải quyết vấn đề quá tải hệ thống lưới điện truyền tải.
Mới đây, ngày 16/12, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có văn bản số 1592/UBKHCNMT14 gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc đầu tư nhà máy điện mặt trời kết hợp đầu tư hạ tầng tại tỉnh Ninh Thuận. Văn bản nêu rõ, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hệ thống lưới điện truyền tải đang bị quá tải, nhưng lại thiếu vốn đầu tư xây dựng. Vì vậy, các dự án điện gió, điện mặt trời tại đây phải giảm phát đến 60% công suất, theo tỉnh Ninh Thuận, ước tính gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng trong năm 2019 vừa qua.
Để sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, trong khi nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn đầu tư thì phương án xã hội hóa, cho phép nhà đầu tư đầu tư trạm biến áp 500kV và các đường dây đấu nối hạ tầng truyền tải là phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước ta, không trái với các quy định của pháp luật. Đồng thời, triển khai công việc này cũng phù hợp với chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải để giải tỏa 100% công suất các nhà máy điện. Nhà đầu tư chỉ kết nối từ nhà máy điện vào hệ thống, lưới điện quốc gia vẫn do Nhà nước quản lý.
Trong bối cảnh thiếu hụt điện năng của Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng hiện nay và tương lai gần, việc đầu tư hạ tầng đáp ứng giải tỏa nguồn lực sản xuất điện năng là cấp bách. Với sự đồng thuận của các bộ, ngành hữu quan và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp đang quan tâm, đầu tư vào NLTT và một “Chính phủ kiến tạo”, hy vọng trong tương lai gần chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ NLTT, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng của xã hội, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, hiện thực hóa cam kết của Việt Nam đối với COP 21, đưa Việt Nam trở thành điểm đến thu hút hầu hết các nhà đầu tư Năng lượng hàng đầu thế giới.