Tạo “sức sống” cho du lịch cộng đồng

BVR&MT – Không chỉ tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho nông dân, du lịch cộng đồng còn góp phần quan trọng trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Nhưng để phát triển bền vững, du lịch cộng đồng luôn cần tạo “sức sống” bằng sản phẩm mới và tư duy đổi mới.

Điểm du lịch cộng đồng Tân Sơn Homestay (xã La Bằng, Đại Từ) được đầu tư xây dựng cảnh quan đẹp mắt.

Làm mới sản phẩm du lịch

Lợi thế là trung tâm vùng, đồng thời sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê và hơn 550 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm đếm, đặc biệt là trong phát triển du lịch cộng đồng, Thái Nguyên được “Mẹ thiên nhiên” ban tặng nhiều cảnh quan kỳ vĩ, có đủ núi, rừng, sông, hồ, hang động, suối thác và bạt ngàn nương chè cùng lòng người hồn hậu.

Cảnh đẹp, tập quán sống phong phú, đa dạng là nguồn tài nguyên vô tận phục vụ du lịch cộng đồng phát triển. Nhưng để trở thành một điểm du lịch, cộng đồng dân cư làm du lịch, trực tiếp là các hộ tham gia làm du lịch đã chủ động đầu tư cải tạo, thiết kế, làm mới cảnh quan, tạo sự hấp dẫn đối với du khách.

Ông Nông Văn Quyền, một người dân tham gia làm dịch vụ du lịch homstay ở xóm Tân Sơn, xã La Bằng (Đại Từ), chia sẻ: Để làm đẹp khu đất của gia đình, tôi xây trên nương chè cảnh vầng trăng khuyết, một cánh buồm; bên suối dựng dãy nhà lá, kê bàn ghế gỗ mộc; khu đất bằng thuận lợi đi lại thì trồng một số loại hoa theo mùa nên cảnh vật luôn thay đổi. Giữa vườn hoa dựng lên những chiếc ghế mang hình trái tim cho các bạn trẻ chụp ảnh, quay video.

Cùng tham gia làm du lịch cộng đồng ở xã La Bằng, ông Nguyễn Tiến Tới cho biết: Ngoài số tiền tích lũy của gia đình, tôi vay mượn thêm ngân hàng, cộng lại được gần 2 tỷ đồng. Tôi đã làm mới hoàn toàn khu đất của gia đình bằng cách dựng lên một chuỗi công trình như nhà sàn, nhà hàng, phòng lưu trú và một bể bơi lớn lấy nước từ đỉnh núi Tam Đảo về. Gia đình tôi có khả năng phục vụ cùng lúc từ 450-500 du khách.

Để thu hút khách du lịch, các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng luôn cần làm mới sản phẩm. Bởi thực tế du khách chỉ quay lại nơi mình đã đến nếu như ở đó có chất lượng phục vụ tốt, cảnh sắc đẹp và có sản phẩm mới. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Trưởng Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng phát triển khá mạnh, song chủ yếu là tự phát. Hiện, toàn tỉnh có khoảng 30 điểm du lịch cộng đồng, nhưng mới có 11 điểm đủ các điều kiện, tiêu chí và đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó, TP. Thái Nguyên 4 điểm; huyện Định Hóa 1 điểm; huyện Võ Nhai 2 điểm; TP. Sông Công 2 điểm; huyện Đại Từ 2 điểm.

Dựa trên nền khung cảnh thiên nhiên sẵn có, các hộ làm du lịch chủ động xây dựng mới sản phẩm bằng cách tạo lại cảnh quan, như gieo trồng hoa tươi, cây cảnh, cải tạo nương chè, nhà cửa và nâng cấp chất lượng sản phẩm nông nghiệp trở thành quà tặng có giá trị.

Người dân xóm Phú Ninh (xã Phú Đình, Định Hóa) xây dựng đồi chè đẹp để phục vụ khách tham quan, trải nghiệm.

Thay đổi tư duy để phát triển bền vững

Nói về việc phát triển du lịch cộng đồng, ông Dương Văn Sáu, nguyên Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, cho biết: Để du khách đến và có thời gian lưu trú dài ngày, chủ thể làm du lịch nên có sự thay đổi tư duy trong liên kết, không nên làm đơn lẻ. Chỉ có liên kết, chia sẻ mới tạo được sản phẩm du lịch khác biệt, tạo hứng thú cho du khách.

Làm du lịch cộng đồng là nghề mới đối với hầu hết người dân Thái Nguyên. Để thành công đòi hỏi mỗi người “dám” thay đổi tư duy, có kế hoạch làm dài hơi chứ không “bóc ngắn, cắn dài”.

Ông Hứa Xuân Bách, Khu du lịch sinh thái trải nghiệm Yasmin farm, xã Cao Ngạn (TP. Thái Nguyên), cho biết: Yasmin farm được đầu tư xây dựng dọc theo bờ dòng sông Cầu, trên tổng diện tích gần 20ha là các khu sinh thái và nghỉ dưỡng gần gũi thiên nhiên, với điểm nhấn là các sản phẩm gỗ, kết hợp các chất liệu từ tự nhiên khác sẵn có của địa phương. Làm du lịch cộng đồng, chúng tôi có tư duy: Càng mở rộng liên kết, hợp tác, càng có cơ hội phát triển bền vững.

Không riêng ông Bách, hầu hết các chủ hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đều hiểu rất rõ: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, nghĩa rằng, tư duy “khắc làm, khắc ăn” đã không còn tồn tại trong suy nghĩ của người làm du lịch.

Ông Lê Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè, xã Bình Sơn (TP. Sông Công), tâm đắc: Phải thay đổi tư duy, đổi mới từng ngày thì du lịch cộng đồng mới có cơ hội chào đón, phục vụ khách tiềm năng, nhất là du khách nước ngoài.

Mỗi cộng đồng làm du lịch lại có cách làm sáng tạo riêng. Nhưng có điểm chung là cùng hướng tới phục vụ tốt nhất cho du khách. Ví như việc liên kết giữa các khu, điểm du lịch đã tạo cho du khách không bị nhàm chán. Các sản phẩm bày bán phục vụ nhu cầu tiêu dùng giữa các điểm được thống nhất không “trùng hàng”, sản phẩm không giống nhau, kể từ ẩm thực đến sinh hoạt văn hóa tinh thần.

Ông Ma Đình Soạn, chủ hộ homestay ở điểm du lịch cộng đồng xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa), cho biết: Sau một thời gian làm du lịch, tư duy của nông dân chúng tôi thay đổi rất nhiều. Chúng tôi biết kết hợp giữa làm nông nghiệp và du lịch; lấy nông nghiệp nuôi du lịch và ngược lại.

Qua khảo sát thực tế tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, hầu hết các hộ làm du lịch đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, lắp đặt hệ thống mạng internet miễn phí, thanh toán không dùng tiền mặt và có thể phục vụ du khách dưới nhiều hình thức.

Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là lực lượng lao động làm du lịch có trình độ, năng lực, nhất là về ngoại ngữ. Có khoảng trên 90% là lao động phổ thông, không qua trường lớp đào tạo về du lịch. Về việc này, ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, cho biết: Trước mắt, Sở phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tổ chức cho các chủ hộ tham gia lớp tập huấn, nâng cao năng lực làm du lịch; tổ chức cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng ở tỉnh bạn. Về lâu dài, chúng tôi định hướng cho các điểm du lịch cộng đồng có cơ chế trả lương phù hợp để thu hút người lao động có trình độ đại học, sau đại học và sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ; khuyến khích con em các hộ làm du lịch đi học nghề đào tạo về du lịch, như về hướng dẫn viên, kỹ thuật buồng phòng và ẩm thực.

Khi trình độ, năng lực của đội ngũ làm du lịch cộng đồng được nâng cao, họ sẽ mang tư duy đổi mới và luôn làm mới sản phẩm. Chỉ có như thế, tiềm năng du lịch cộng đồng mới được khai thác hiệu quả và giúp thay đổi đời sống của người trực tiếp tham gia cũng như cộng đồng dân cư nơi đó.

NGUỒNbaothainguyen.vn
CHIA SẺ