BVR&MT – Ngày 10/12, tại Hà Nội, Viện Công nghệ sinh học,Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học “Ô nhiễm rác thải nhựa và giải pháp”, với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Diễn đàn nhằm giới thiệu một số giải pháp xử lý các loại nhựa phân hủy sinh học, góp phần xây dựng cơ sở khoa học vững chắc để tạo công nghệ xử lý rác thải nhựa phù hợp với Việt Nam và hướng tới việc sản xuất, sử dụng sản phẩm nhựa thân thiện môi trường.
Phát biểu tại Diễn đàn, GS, TS Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam cho biết: Vấn đề xử lý rác thải nhựa là mối quan tâm của các nhà khoa học, thông qua các giải pháp xử lý rác thải nhựa, nghiên cứu vật liệu mới dần thay thế vật liệu truyền thống… Những năm qua, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam đã chủ động thực hiện các nghiên cứu liên quan đến đánh giá mức độ phân hủy sinh học của các sản phẩm nhựa trên thị trường; xây dựng giải pháp thúc đẩy quá trình phân giải nhựa sinh học. Diễn đàn với sự đóng góp của các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp tiên phong ứng dụng vật liệu nhựa có tính phân hủy sinh học sẽ đem lại nhiều thông tin bổ ích, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ hướng tới xây dựng và phát triển nền kinh tế bền vững, kinh tế tuần hoàn.
Tại Diễn đàn, đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo giới thiệu kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, cấm hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển; cấm hoàn toàn việc nhập khẩu phế liệu nhựa làm nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ven biển; giảm thiểu 75% rác thải nhựa đại dương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa…
PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Công nghệ sinh học đã công bố nghiên cứu mới về khả năng phân hủy sinh học plastic bởi các tác nhân sinh học, như: chủng vi khuẩn và xạ khuẩn ưa nhiệt phân lập từ nguồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam; chủng vi khuẩn ưa nhiệt phân lập từ đống ủ compost phụ phế liệu nông nghiệp; nấm đảm… Bên cạnh đó, PGS, TS Thái Hoàng, Viện Kỹ thuật nhiệt đới giới thiệu các phương pháp hóa học và hóa lý hiện đại để đánh giá phân hủy sinh học của vật liệu polymer và polymer tổ hợp có khả năng phân hủy sinh học, như: phổ hồng ngoại, phổ tử ngoại, cộng hưởng từ hạt nhân… Nhờ sử dụng các chế phẩm sinh học từ các chủng xạ khuẩn làm tác nhân phân hủy sinh học cho các màng polymer và các phương pháp hóa học, hóa lý hiện đại nêu trên, nhóm nghiên cứu của PGS, TS Đặng Thị Cẩm Hà và PGS, TS Thái Hoàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp ba bằng độc quyền sáng chế vào tháng 6/2019. Từ các kết quả nghiên cứu nêu trên, các nhà khoa học cho rằng, đây là cơ sở khoa học để tạo nên công nghệ xử lý rác thải polymer, chất dẻo có khả năng phân hủy sinh học phù hợp với tiềm năng, nội lực của KH và CN Việt Nam, góp phần giảm thiểu tác động xấu của rác thải nhựa.
Diễn đàn cũng giới thiệu công nghệ sản xuất các sản phẩm gia dụng làm từ nhựa phân hủy sinh học, an toàn cho môi trường của Tập đoàn An Phát. Theo đánh giá của các nhà khoa học, đây là công nghệ tiên phong tại Việt Nam. Sắp tới, Tập đoàn An Phát sẽ hợp tác với các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, sản xuất thương mại các sản phẩm từ nhựa phân hủy sinh học.