BVR&MT – Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một vấn nạn lớn của xã hội, một trở ngại lớn đối với sự phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cả nước nói chung và Tuyên Quang nói riêng. Tình trạng này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Ở tỉnh ta, việc thực hiện Đề án 498 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 – 2025” vẫn còn những trăn trở khi kết quả đạt được chưa như mong muốn…
Từ năm 2021, Tuyên Quang thực hiện Đề án 498 gắn với Tiểu dự án 2, Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh – cơ quan chủ trì tham mưu Đề án 498 phối hợp với UBND các huyện xây dựng mô hình điểm tại 7 xã thuộc 6 huyện. Đó là xã: Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn); Xuân Lập (Lâm Bình), Hùng Mỹ (Chiêm Hóa); Hồng Thái (Na Hang); Yên Lâm (Hàm Yên); Đông Thọ (Sơn Dương).
Tại các xã có mô hình điểm, từ xã đến thôn tăng cường tuyên truyền, vận động, các thôn tổ chức cho từng hộ gia đình ký cam kết không để cho con, cháu trong gia đình tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch của xã tăng cường quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn; làm thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn. Các thành viên Tổ tư vấn thôn nhận rõ vai trò, trách nhiệm, sâu sát đến từng hộ dân để kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng; tổ chức gặp gỡ, vận động những gia đình đang có con, em bỏ học, những trường hợp có ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật để kịp thời ngăn chặn.
Anh Đặng Đăng Thanh, cán bộ Văn hóa – Xã hội xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết: Trước khi thực hiện Đề án 498, hàng năm xã vẫn còn 2 đến 4 trường hợp tảo hôn. 3 năm qua, xã không có trường hợp nào tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Một trong những bài học kinh nghiệm của xã là phát huy mối quan hệ giữa Ban Chỉ đạo cấp xã, Tổ tư vấn các thôn; giữa Tổ tư vấn các thôn đối với hộ gia đình; giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong phối hợp tổ chức thực hiện.
Sau 3 năm thực hiện Đề án 498, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đồng bào DTTS tại Tuyên Quang nhận thức đầy đủ hơn về hậu quả, hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2021 – 2023, trên địa bàn tỉnh không có trường hợp kết hôn cận huyết thống; tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS có xu hướng giảm dần. Theo Ban Dân tộc tỉnh, đến thời điểm này, nhiều xã làm điểm đã xóa sổ được tình trạng tảo hôn, như Hùng Mỹ (Chiêm Hóa), Đông Thọ (Sơn Dương) và Hồng Thái (huyện Na Hang).
Thế nhưng, không phải địa phương nào cũng đạt được kết quả như vậy. Giai đoạn này, toàn tỉnh có 8.054 cặp kết hôn, trong đó có 249 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 3,1%/tổng số cặp kết hôn. Mức giảm trong giai đoạn 2021 – 2023 chiếm 0,06%. So với mục tiêu Đề án 498 giảm từ 2 – 3%/năm thì kết quả đạt được vẫn còn thấp.
Tại 7 xã thực hiện mô hình điểm Đề án 498 vẫn còn 56/187 cặp vợ chồng tảo hôn. Trong đó, xã Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn) chiếm chủ yếu. Trong đó, tỷ lệ tảo hôn cao nhất là dân tộc Mông với 109 cặp, chiếm 43,78%; dân tộc Dao 60 cặp, chiếm 24,1%; dân tộc Tày 51 cặp, chiếm 20,48%; dân tộc Kinh 7 cặp, chiếm 2,81%; dân tộc khác 22 cặp, chiếm 8,84%. Độ tuổi tảo hôn thường từ 15 đến dưới 18 tuổi đối với người nữ; từ 18 đến dưới 20 tuổi đối với người nam. Huyện Yên Sơn có tỷ lệ tảo hôn cao nhất với 114 cặp, huyện Sơn Dương 14 cặp; thành phố Tuyên Quang không có tình trạng tảo hôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì diễn biến của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Công tác quản lý, ngăn chặn, phòng tránh đặc biệt là nạn tảo hôn là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài. Đồng chí Giàng Xuân Dính, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập (Lâm Bình) bày tỏ, chỉ tính từ năm 2021 đến tháng 6 năm 2023 trên địa bàn xã có 15 trường hợp tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, tâm lý, tập quán của người đồng bào DTTS… Đơn cử người Mông có tập tục, nam nữ chưa đến tuổi vị thành niên nếu yêu nhau có thể tự nguyện về ở với nhau. Tập tục là vậy, nếu đưa ra xử lý theo quy định pháp luật khó khăn, chưa nghiêm minh cũng bởi “bên tình, bên lý”.
Theo đồng chí Hoàng Thị Thắm, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tỷ lệ tảo hôn trong vùng DTTS của Tuyên Quang có xu hướng giảm dần song vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Mục tiêu Đề án là giảm bình quân 2% – 3%/năm số cặp tảo hôn; 3% – 5% số cặp hôn nhân cận huyết thống đối với các địa bàn, các DTTS có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao. Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh cần nâng cao trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong phòng, chống tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các sở, ngành, các cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương đẩy mạnh và đổi mới phương pháp phổ biến giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào DTTS; trong đó tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tình trạng trên.
Từ tỉnh đến cơ sở chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn ngừa các đối tượng có nguy cơ tảo hôn; tăng cường quản lý Nhà nước về công tác hôn nhân và gia đình; thực hiện nghiêm việc xử lý các trường hợp vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cơ sở triển khai thực hiện Đề án cần nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng. Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình điểm Đề án 498 tại các xã và trường học vùng DTTS và miền núi.