Tạo đột phá để trở thành huyện nông thôn mới

BVR&MT – Sóc Sơn (TP Hà Nội) là một huyện thuần nông, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, trung bình mỗi xã chỉ đạt 5 trong tổng số 19 tiêu chí, cá biệt có ba xã không đạt tiêu chí nào. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, sau hơn 5 năm thực hiện chương trình, đến nay, toàn huyện đã có 24 trong tổng số 25 xã đạt và cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới.

Dồn điền đổi thửa giúp nông dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) dễ dàng sử dụng máy móc để giải phóng sức lao động trong sản xuất.

Nỗ lực vượt khó

Với diện tích hơn 30 nghìn ha, Sóc Sơn là huyện có diện tích lớn thứ hai của TP Hà Nội. Đời sống của người dân nơi đây gắn bó mật thiết với nghề nông. Do vậy, muốn nâng cao đời sống cho người dân, phải bắt đầu thay đổi từ sản xuất nông nghiệp. Xác định được mục tiêu, ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, huyện Sóc Sơn đã tập trung đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, quyết tâm tạo đột phá. Kết quả đến hết năm 2015, toàn huyện đã dồn điền đổi thửa được 10.845 ha, vượt 7,1% kế hoạch thành phố giao. Nhờ vậy, số thửa bình quân/hộ đã giảm từ 10 thửa/hộ xuống còn 2,5 thửa/hộ. Số diện tích đất dôi dư 965 ha để bổ sung cho quỹ đất công, tạo điều kiện để quy hoạch cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Vi Thị Bình Anh chia sẻ: Quá trình dồn điền đồi thửa thành công đã hình thành ở Sóc Sơn nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang lại giá trị kinh tế. Đồng thời, nhờ những cánh đồng lớn, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất được đẩy mạnh. Nhiều hợp tác xã được thành lập, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã góp phần thúc đẩy sản xuất, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đến hết năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn đạt 1.960,7 tỷ đồng, tăng 2,66% so với cùng kỳ năm 2016. Những con số nêu trên là thành quả từ những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế. Cụ thể, ở Sóc Sơn còn hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất bưởi rộng 250 ha, vùng sản xuất chè an toàn và VietGAP hơn 200 ha, hoa nhài 148 ha, vùng sản xuất rau an toàn có diện tích khoảng 330 ha; tổng diện tích vùng lúa chất lượng tập trung năm 2017 của huyện đạt hơn 15 nghìn ha, tăng 2.300 ha so với cùng kỳ; diện tích cây ăn quả đạt 1.170 ha, tăng hàng trăm héc-ta so với năm 2016.

Nhờ vào những đột phá trong sản xuất nông nghiệp, năm 2017, giá trị canh tác bình quân của huyện Sóc Sơn đạt 161 triệu đồng/ha/năm. Nhiều diện tích còn cho thu nhập từ 350 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của huyện Sóc Sơn đạt 39,5 triệu đồng/người. Đời sống nông dân từng bước được cải thiện, toàn huyện không còn nhà dột, nát, đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang; 92% số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,72%… Các hoạt động văn hóa thể thao được duy trì sôi nổi, rộng khắp các thôn làng.

Hướng tới huyện nông thôn mới

Sau hơn 5 năm thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện đã có 24 trong tổng số 25 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy sắp cán đích để trở thành huyện nông thôn mới nhưng quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay của Sóc Sơn còn gặp nhiều khó khăn. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng chia sẻ, Sóc Sơn là huyện nông nghiệp nhưng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh, do vậy ít doanh nghiệp mặn mà đầu tư vào nông nghiệp ở địa phương. Không có sự liên kết với doanh nghiệp, người dân sẽ phải tự loay hoay trước biến động của thị trường, bấp bênh về giá cả và lúng túng tìm đầu ra cho sản phẩm. Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh cũng như thu nhập của người dân.

Chưa kể sự chênh lệch về kinh tế – xã hội, trình độ dân trí, thu nhập, vật chất và tinh thần của người dân giữa các khu vực của huyện. Một số đơn vị cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm, còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chủ trương của huyện Sóc Sơn là phải giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt. Đồng thời, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2020. Trong đó, thu nhập bình quân đến năm 2020 phấn đấu đạt 50 triệu đồng/người/năm.

Để hoàn thành mục tiêu, thời gian tới, huyện Sóc Sơn sẽ tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó, khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu tiên thực hiện đối với các xã hoàn thành năm 2018 và các công trình dân sinh bức xúc. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân phải được bàn bạc lựa chọn nội dung thực hiện, mức đóng góp nhằm phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng huy động quá sức dân, đầu tư quá khả năng thanh toán của địa phương…