BVR&MT – Sáng ngày 16/5/2022, Trường Đại học Lâm nghiệp phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội Thảo “Định hướng phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo Lâm nghiệp giai đoạn 2022-2030”.
Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của: Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Lê Sơn Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; Đại diện các đơn vị quản lý thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ KHCN&MT, Vụ Kế hoạch, Vụ Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp); Đại diện các đơn vị thuộc Ủy ban dân tộc (Vụ Tổng hợp; Vụ Chính sách dân tộc; Vụ Kế hoạch – Tài chính và Vụ Hợp tác quốc tế); Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Đại Sứ quán Phần Lan, Đại Sứ quán Italia và Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; Đại diện UBND, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, Vườn Quốc gia một số tỉnh; Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor); Một số doanh nghiệp, Tổ chức quốc tế, Các nhà khoa học và chuyên gia hoạt động trong các lĩnh vực Lâm nghiệp; Đại diện các đơn vị, các nhà khoa học, các chuyên gia và giảng viên Trường Đại học Lâm nghiệp; Các cơ quan báo chí truyền thông.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN, đã điểm qua một số thành tựu của ngành lâm nghiệp và kinh tế lâm nghiệp, với những con số ấn tượng như đạt 42% diện tích che phủ rừng, đạt xuất siêu 13 tỉ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, nền sản xuất lâm nghiệp còn đáp ứng được nhu cầu nội địa của một thị trường có 100 triệu dân, mặc dù đây là nhu cầu ngày càng cao cấp do đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao.
“Trước đây chúng ta làm gì dám nghĩ đến việc thu phí dịch vụ môi trường rừng! Vậy mà năm ngoái, chúng ta đạt xấp xỉ 3.200 tỉ đồng, tương đương trên 150 triệu đô la Mỹ, với khoản thu này. Con số xuất siêu là kỳ tích kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Sở dĩ chúng ta đạt được điều đó là nhờ nguyên liệu đầu vào của sản phẩm xuất khẩu của chúng ta là tại chỗ, là khai thác từ rừng do chúng ta trồng được”, ông Doanh cho biết.
Theo Thứ trưởng, ngành lâm nghiệp đang nhận sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương. Hiện hệ thống văn bản chính sách, quy phạm pháp luật cho ngành lâm nghiệp khá toàn diện. Bên cạnh đó, ngành đang triển khai nhiều đề án quan trọng như chế biến lâm sản, trồng 1 tỷ cây xanh, trồng rừng ven biển…
Ngành lâm nghiệp chủ trương duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%, nhưng quỹ đất phát triển cho ngành hiện không còn nhiều. Do đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhận định: “Đây là thời điểm thích hợp để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo” để tạo động lực cho ngành lâm nghiệp nói riêng, và cả hệ thống kinh tế – xã hội nói chung.
PGS.TS Phùng Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, nhiệm vụ ưu tiên được Trường ĐH Lâm nghiệp đặt ra là đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nghiên cứu các quy trình ứng dụng công nghệ cao trong quản lý, giám sát và đánh giá tài nguyên và môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nhà trường sẽ phát triển thành một trung tâm đổi mới sáng tạo.
Tại hội thảo, ông Keijo Norvanto, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam đã chia sẻ, rừng ở đất nước này được coi là “nguồn cảm hứng” bởi rừng “thống trị” nhiên nhiên Phần Lan khi rừng chiếm trên 75% diện tích đất. Đây cũng là quốc gia giàu có về rừng nhất ở châu Âu. Đặc biệt hơn, hầu hết diện tích rừng ở Phần Lan có chủ rừng là hộ gia đình (620.000 chủ rừng)…Chiến lược bảo vệ rừng của Phần Lan là quản lý rừng bền vững – được coi là nguồn của sự thịnh vượng. Và người Phần Lan bảo vệ rừng bằng cách, trồng mới 4 cây con để thay thế cho 1 cây con bị chặt. Hiện nơi này có 90% rừng thương mại được chứng nhận PEFC/FSC. Ông Keijo Norvanto còn cho biết, ở Phần Lan, gỗ là một vật liệu hữu dụng với quan điểm, “mọi thứ có thể được làm từ nhựa thì cũng có thể được làm từ gỗ”. Các công ty của Phần Lan thậm chí còn sản xuất bồn rửa bằng gỗ và dùng bột gỗ để bó bột cho xương bị gãy…
Hội thảo cũng đã cung cấp những số liệu liên quan đến chiến lược phát triển rừng trên thế giới như: 1/3 dân số toàn cầu phụ thuộc vào rừng để cung cấp thực phẩm. Thu nhập từ rừng chiếm tỉ trọng 28% trong tổng thu nhập của hộ gia đình trên toàn cầu. Những giải pháp được ưu tiên trên toàn cầu đó là: Giải quyết nguyên nhân phá rừng và suy thoái rừng; đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học và công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đón đầu xu thế và thị trường thế giới…
Hậu Thạch