Tanzania: Nạn săn trộm ngà giảm mạnh khi các trùm buôn lậu bị truy tố

BVR&MT – Từng là tiêu điểm của nạn săn trộm ngà tại Đông Phi, Tanzania giờ đây đã ngăn chặn được tệ nạn nhức nhối nhất trong biên giới của mình. Chỉ trong vòng 5 năm, quốc gia này đã thực hiện hơn 2.300 vụ bắt giữ đối tượng săn trộm và buôn lậu, giúp quần thể voi tăng thêm 17.000 cá thể.

Các nhà điều tra cho biết vào đầu năm 2020, họ đã thâm nhập ít nhất 11 tổ chức buôn lậu động vật hoang dã và bắt giữ 21 kẻ cầm đầu đường dây buôn bán trái phép. Một trong số này có “nữ hoàng săn voi” Dương Phụng Lan, người Trung Quốc, năm 2019 đã bị Tòa án Tanzania kết án 15 năm tù vì tội buôn lậu ngà trong giai đoạn 2000-2014. Tháng trước, đối tượng này đã kháng cáo bản án được tuyên.

Theo các nhóm bảo tồn bao gồm Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC), Tanzania trước đây từng bị săn trộm ở “quy mô công nghiệp” khiến số lượng voi giảm tới 60% chỉ trong 5 năm (2009 – 2014), tương đương hơn 60.000 cá thể bị giết. IUCN thậm chí đã liệt voi xavan châu Phi vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy nhiên, nhờ hoạt động truy quét các mạng lưới tội phạm của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về chống săn trộm (NTAP), số vụ săn trộm tại các vườn quốc gia trong năm 2019 giảm hơn 1/4 so với 5 năm trước. Tổng số có 2.377 vụ bắt giữ các đối tượng săn trộm và buôn lậu trong 5 năm.

Ngoài 14.000 miếng ngà voi, NTAP cũng tịch thu 25 sừng tê giác, 29 răng hà mã, 29 bộ da các loài mèo lớn cùng hàng trăm động vật sống và hàng ngàn tấn gỗ trong 5 năm.

Theo một tuyên bố của tổng thống Tanzania, quần thể voi tại quốc gia này đã tăng từ 43.000 cá thể vào năm 2014 lên 60.000 cá thể vào năm 2019. Số liệu gần đây của Bộ Tài nguyên và Du lịch cũng khẳng định số lượng voi trong hệ sinh thái Serengeti tăng từ 6.087 cá thể vào năm 2014 lên 7.061 cá thể vào năm 2020.

“Chúng tôi đã làm được rất nhiều bao gồm việc xây dựng hướng dẫn tham khảo nhanh về các tội phạm liên quan đến động vật hoang dã và lâm nghiệp, đồng thời tăng cường điều tra, truy tố và đảm bảo các nguyên tắc điều tra”, Viện trưởng Viện công tố Sylvester Mwakitalu chia sẻ.

Cũng theo vị này, điều tra viên và công tố viên tại Tanzania đã được đào tạo rất nhiều về các vụ án động vật hoang dã trong những năm gần đây.

Điều đáng mừng là số liệu quốc gia được đề cập trong báo cáo của chính phủ khá tương đồng với các nguồn dữ liệu khác và điều này cho thấy Tanzania không còn là tâm điểm của nạn săn trộm ngà ở châu Phi.

Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) trong một phân tích về các vụ bắt giữ ngà voi hồi tháng 12/2020 cho biết nạn săn trộm đã chuyển từ Đông Phi sang Trung và Tây phi trong 5 năm qua. Bằng việc phân tích vị trí tịch thu ngà, AND ngà voi, đường dây vận chuyển và quốc tịch nghi phạm, Báo cáo “Out of Africa“ (tạm dịch: Ra khỏi châu Phi) của EIA cho thấy có tới 87 tấn ngà voi bị thu giữ trên toàn thế giới từ năm 1998 – 2014 liên quan đến Tanzania khiến quốc gia này trở thành điểm nóng toàn cầu về nạn săn trộm ngà voi trong thời gian đó. Tuy nhiên, bức tranh đã dần tươi sáng hơn từ năm 2015 – 2019 khi chỉ chưa đầy 5 tấn ngà voi bị tịch thu có thể liên quan đến quốc gia này, thấp hơn nhiều con số hơn 30 tấn ngà bị thu giữ liên quan đến Nigeria.

Mary Rice, Giám đốc điều hành EIA khẳng định hoạt động của lực lượng đặc nhiệm chống săn trộm ở Tanzania, được hỗ trợ bởi các tổ chức phi chính phủ, chính là “công cụ” để giải quyết vấn đề. Tanzania giờ đây không còn là điểm xuất lậu ngà voi chủ yếu. Điều này không có nghĩa là nạn săn trộm và buôn lậu đã biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, tiếp cận đa cơ quan là cách duy nhất để giải quyết vấn nạn. Những trùm buôn lậu thường khai thác những sơ hở và hệ thống quản trị yếu kém tại các quốc gia, do đó, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phá vỡ các mắt xích buôn lậu quy mô lớn. Hoạt động bí mật của EIA trên khắp châu Phi cho thấy các băng nhóm buôn người đã buộc phải rời khỏi Tanzania để di chuyển đến các quốc gia khác.

Các nhân viên kiểm lâm tham gia tập huấn chụp hình sau buổi hội thảo tại Khu bảo tồn Grumeti ở vùng tây Serengeti vào năm 2016 (Ảnh: David Olson/Biodiversity and Wildlife Solutions)

Theo một nguồn báo cáo của Mongabay, Tanzania đang phát triển chiến lược “không săn trộm” và NTAP đang theo dõi 3.541 nghi phạm liên quan đến buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở các cấp độ khác nhau kể từ năm 2015, trong đó sẽ tập trung vào những trùm săn trộm ở cấp cao nhất (trung bình mỗi tên trùm chỉ huy 5-10 người bao gồm các đối tượng gom hàng, vận chuyển và trung gian). Những tên trùm này thường bao gồm cả người Tanzania và người nước ngoài với hoạt động phức tạp, gây khó khăn trong việc xác định, định vị, bắt giữ và truy tố.

Các báo cáo bắt giữ cho thấy bên cạnh người Tanzania, các mạng lưới tội phạm của Trung Quốc và Tây Phi đều đang hoạt động ở nước này nhưng những kẻ cầm đầu là các mạng lưới tội phạm châu Á, chuyên mua các sản phẩm bất hợp pháp tại địa phương và xuất khẩu sang châu Á.

Theo bà Rice, việc các nhà điều tra nhắm mục tiêu vào những kẻ buôn lậu cũng như cầm đầu đường dây săn trộm là đúng đắn bởi những kẻ trực tiếp đi săn thường bị “lạm dụng và lợi dụng”. Tuy nhiên, việc các quốc gia đang tập trung truy quét nhóm buôn lậu là người nước ngoài hơn là công dân của họ lại là một thiếu sót bởi không có hoạt động nào của “Nữ hoàng ngà voi” hay các đường dây buôn lậu khác không có sự đồng lõa của công dân Tanzania, Nigeria, Malawi hoặc công dân của bất kỳ quốc gia nào đang tiếp tay cho các băng nhóm tội phạm. Thực tế là không có nhiều người bản địa phải hầu tòa.

Một thập kỷ trước, làn sóng săn trộm đã tràn qua châu Phi. Những kẻ săn trộm đã giết hơn một nửa quần thể voi của Tanzania từ năm 2009 tới năm 2014 (Ảnh: Nathan Hahn/Biodiversity and Wildlife Solutions)

Rõ ràng các quốc gia có thể rút ra nhiều bài học từ câu chuyện của Tanzania. “Mỗi bên liên quan đều có vai trò riêng của mình, từ người điều tra, công tố viên tới hệ thống tòa án. Chúng tôi cũng được hưởng lợi từ luật pháp và ý chí chính trị mạnh mẽ”, Viện trưởng Viện công tố Sylvester Mwakitalu chia sẻ.

Sơn Thủy (Theo Mongabay)

Tags: ,
CHIA SẺ