BVR&MT – Chiều 10/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính họp báo thường kỳ quý I. Tại buổi họp báo, Bộ Tài chính cho biết, để phù hợp thực tế, Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu, cân đối lại nguồn thu nhất là trong điều kiện hiện giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Việc đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ phục vụ nhiều mục tiêu quản lý, phục vụ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều thay đổi theo hướng thương mại tự do và toàn cầu hóa đã khiến các nước tìm cách thay đổi chính sách thuế.
Theo đó, tăng thuế gián thu (như thuế môi trường), giảm thuế trực thu chính là biện pháp để tăng cạnh tranh cho hàng hóa, cải thiện môi trường đầu tư, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Ðây cũng là một trong các nội dung của dự thảo sửa đổi Luật Thuế bảo vệ môi trường mà Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2017. Trong bảng xếp hạng 180 nước trên thế giới, giá xăng dầu tại Việt Nam hiện nay thuộc nhóm thấp nhất thế giới, xếp thứ 44/180 nước được xếp hạng theo giá xăng dầu từ thấp tới cao. Trong khu vực, giá xăng dầu Việt Nam rẻ hơn Lào, Cam-pu-chia, Thái-lan, Xin-ga-po… cho nên việc điều chỉnh thuế là cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn chặn buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Ðây mới là tăng khung, còn việc tăng mức thuế bao nhiêu phải do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Do đó, việc tăng khung sẽ không ảnh hưởng tới giá xăng dầu, cuộc sống người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ðồng thời, việc tăng khung thuế môi trường không phải là để bù hụt thu ngân sách nhà nước mà mục tiêu chính là để phù hợp với các quy định hiện tại, phù hợp thực tế giá dầu thế giới cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia – Bộ Tài chính khẳng định.