BVR&MT – Ngày 30/5 Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng cục Lâm nghiệp và Trung tâm Phát triển nông thôn Bền vững (SRD) đã phối hợp và chủ trì tổ chức hội Thảo Tăng cường sự tham gia và Nâng cao hiệu quả giám sát độc lập của các tổ chức xã hội (TCXH) và cộng đồng địa phương về thay đổi rừng.
Tham dự hội thảo con có sự tham gia của các cơ quan Trung ương: Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Văn phòng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu Phát triển Lâm nghiệp bền vững và và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+), BQL Dự án FCPF TW, Viện Khoa học Lâm nghiệp và đại diện của 06 tỉnh Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình).
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Kim Ngân, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững SRD cho biết: Hội thảo nhằm báo cáo và trao đổi với Tổng cục Lâm nghiệp, Liên Hiệp hội và các cơ quan liên quan để hoàn thiện hệ thống giám sát cũng như tạo cơ hội để đại diện người dân và các TCXH ở 6 tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ nói lên nguyện vọng của mình.
Hội thảo được tổ chức với 03 mục tiêu chính: thứ nhất, Tạo cơ hội cho các TCXH và đại diện người dân nói lên nguyện vọng tham gia giám sát độc lập về thay đổi rừng tại địa phương nhằm tăng cường công khai minh bạch. Thứ hai, các cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương cùng TCXH và người dân thảo luận các điều kiện và cơ hội để TCXH và cộng đồng địa phương tham gia giám sát độc lập về thay đổi rừng. Cơ chế, giải pháp để thu hẹp khoảng trống năng lực được thảo luận và thống nhất giữa các TCXH và chính quyền địa phương. Thứ ba, gợi ý cơ chế giám sát độc lập về thay đổi rừng do TCXH và người dân chủ trì để các cơ quan chức năng xem xét và ra quyết định.
Việc tổ chức các hội thảo tập huấn về Chương trình giảm phát thải của Việt Nam (ER-P), xác định khoảng trống năng lực của cộng đồng và điều kiện để người dân tham gia ER-P tại 06 tỉnh vùng duyên hải Bắc Trung Bộ với 299 người tham gia đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tài nguyên rừng, công tác bảo vệ rừng, cacbon rừng. Đặc biệt là chính người dân cũng có thể tham gia vào công tác giám sát diễn biến rừng.
Chương trình giảm phát thải của Việt Nam xác định việc chuyển đổi rừng như một động lực chính của nạn phá rừng và suy thoái rừng. Bao gồm cả hai loại chuyển đổi từ rừng tự nhiên theo kế hoạch và không theo kế hoạch thành các nông trại, canh tác nông nghiệp, cơ sở hạ tầng (thủy điện), công nghiệp, phát triển khác và khai thác gỗ đều tác động không nhỏ đến mất rừng và suy thoái rừng. Dẫn đến các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường, đặc biệt đối với các cộng đồng sống dựa vào rừng.
Theo ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, LHH VN: Việc Việt Nam tham gia sâu vào các sáng kiến quốc tế liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp là Sáng kiến Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (FLEGT) và Sáng kiến Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng các bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+), đã giúp các TCXH Việt Nam có môi trường và cơ hội tham gia phản biện, thực hiện và giám sát thực hiện các chính sách và chương trình lâm nghiệp.
Sau khi phân tích 04 phương pháp giám sát thay đổi rừng hiện đang áp dụng hoặc thử nghiệm, gồm có: Hệ thống Thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp (FORMIS), cụ thể là Hệ thống giám sát diễn biến Tài nguyên rừng (FRMS); Hệ thống giám sát quản trị rừng có sự tham gia (PFG); Hệ thống đo đếm theo dõi diễn biến rừng sử dụng máy tính bảng và Hệ thống giám sát diễn biến rừng gần với thời gian thực sử dụng phần mềm Terra-I. Trong đó, các cấp chính quyền, kiểm lâm các cấp và chủ rừng (tại Di Linh và Hải Dương) đánh giá cao phần mềm Terra-I trong việc cung cấp các thông tin cảnh báo thay đổi rừng, đặc biệt là những khu rừng khó tiếp cận. Đây là một hệ thống giám sát gần thời gian thực, sử dụng ảnh vệ tinh nhằm mục đích phát hiện biến động lớp phủ thực vật, cung cấp những dữ liệu về tình trạng mất rừng cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan trung ương, các tỉnh duyên hải Bắc Trung bộ đã cùng thảo luận về các khó khăn, bất cập mà các TCXH và cộng đồng gặp phải khi tham gia giám sát thay đổi rừng; Những nhu cầu, điều kiện để các TCXH và cộng đồng địa phương tham gia giám sát và khuyến nghị hệ thống giám sát độc lập phù hợp cho từng địa phương.
Thạch Thảo