BVR&MT – Ngày 25/9 tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Nghiệp Việt Nam (VIFA) đã tổ chức chương trình tọa đàm “Góp ý cho xây dựng dự án luật đất đai (sửa đổi)”.
Sự cần thiết của Luật đất đai
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Tuy nhiên, qua báo cáo tình hình của các địa phương và ý kiến phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong thực tiễn thi hành Luật Đất đai vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc.
Theo TS. Phạm Xuân Phương – Chuyên gia lĩnh vực Lâm nghiệp cho biết: Vấn đề quy hoạch sử dụng đất, giao đất nông lâm nghiệp và tác động đến đời sống của người dân ở vùng nông thôn miền núi là cần thiết. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân miền núi có đất để sử dụng sản xuất ổn định lâu dài, sử dụng lao động tại chỗ tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhanh chóng đưa diện tích đất trống đồi trọc vào sử dụng có hiệu quả; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Dẫn chứng kết quả nghiên cứu, tham vấn một số hộ gia đình, cá nhân tại tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La được thực hiện vào tháng 8/2020 cho thấy, hàng năm thu nhập từ lâm nghiệp chiếm 10- 15% trong tổng thu nhập của hộ gia đình; có hộ gia đình thu nhập lâm nghiệp đến 30% trong tổng thu nhập 80 triệu đồng/hộ/năm. Giao đất lâm nghiệp ổn định, lâu dài cùng với các chính sách hỗ trợ sau giao đất lâm nghiệp đã thúc đẩy người dân tham gia trồng rừng nguyên liệu giấy, gỗ trụ mỏ, cung cấp dăm gỗ, sản xuất đồ gỗ gia dụng có thu nhập từ lâm nghiệp chiếm tỉ trọng cao trong nguồn thu của hộ gia đình.
Tuy nhiên giữa Luật đất đai 2013 và Luật lâm nghiệp 2017 có những điểm chưa đồng nhất: Đối tượng và phạm vi quy hoạch do việc quy định về “đất lâm nghiệp” và “đất tín ngưỡng” tại 2 luật khác nhau, nên dẫn đến số liệu thống kê về đất lâm nghiệp giữa 2 ngành tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn khác nhau. Cụ thể: Luật đất đai không có mục giải thích về cụm từ “đất rừng”, không đề cập đến cụm từ “đất lâm nghiệp”, nhưng văn bản hướng dẫn Luật này có đề cập đến khái niệm “đất lâm nghiệp” (Thông tư 28/2014/TT-BTNMT); Ngành tài nguyên và môi trường chỉ coi diện tích đất có rừng và rừng mới trồng là đất lâm nghiệp; các diện tích khác như diện tích được khoanh nuôi phục hội chưa đạt tiêu chí rừng không được coi là đất lâm nghiệp mà coi là đất khác chưa sử dụng. Trong khi đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn coi đất lâm nghiệp bao gồm cả diện tích đất chưa có rừng được quy hoạch thành rừng đặc dụng, phục hồi và sản xuất.
Từ những yêu cầu thực tế, PGS.TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm Nghiệp Việt Nam cho biết: Luật đất đai năm 2013 từ khi ban hành đến nay đã đóng góp rất là tích cực trong công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên, trong luật đất đai 2013 vẫn còn một số vấn đề cần phải được xem xét, điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển trong giai đoạn mới của đất nước. Các tổ chức chính trị nghề nghiệp, các tổ chức xã hội tham gia xây dựng đóng góp ý kiến để Luật đi vào thực tiễn đạt kết quả cao nhất, giúp ích cho người dân.
Phổ biến kiến thức luật đất đai đến đồng bào dân tộc thiểu số
Chương trình tư vấn pháp luật về đất đai cho đồng bào nông thôn miền núi ở tỉnh Hòa Bình. Theo ThS Vũ Thế Thường – Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) cho biết như sau: Kết quả mô hình tại huyện Kim Bôi và huyện Đà Bắc có 82,8% trong số 1.972 phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở 2 huyện đã quan tâm tìm hiểu làm sao có tên mình cùng với chồng trong GCNQSD đất. 202 phụ nữ DTTS ở 2 huyện có khúc mắc liên quan đến đất đai đã được luật sư/Trợ giúp viên pháp lý trợ giúp. 6 vụ việc về đất đai của phụ nữ DTTS ở 2 huyện đã được trợ giúp trong quá trình tham gia tố tụng. Số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp mới, cấp đổi có tên của cả vợ và chồng ở 2 huyện năm 2018 đã tăng lên 15% so với năm 2016. Số trường hợp vướng mắc liên quan đến QSD đất được trợ giúp bởi Trung tâm TGPLNN tỉnh năm 2018 tăng 32% so với năm 2016. Từ năm 2017-2018, Viện CISDOMA đã phối hợp với các đối tác triển khai mô hình trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai cho phụ nữ DTTS.
GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết cần cụ thể hóa một số nguyên tắc tiến bộ về rừng cộng đồng, cộng đồng sống nhờ vào rừng đã được ghi nhận trong Luật Lâm nghiệp nhưng chưa được hướng dẫn thực hiện; tiếp tục cụ thể hóa việc quy hoạch lại đất có rừng trong nhiệm vụ tiếp tục đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp để giải quyết tình trạng không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tiếp việc đất rừng sản xuất được tham gia giao dịch theo Luật đất 2013, nhưng rừng sản xuất được giao không được tham gia giao dịch theo Luật lâm nghiệp 2017.
Cũng trong buổi tọa đàm, các chuyên gia và nhà khoa học đã thảo luận về các chủ đề liên quan đến đất đai, vấn đề sử dụng đất, giao đất nông lâm nghiệp, tiếp cận của đồng bào DTTS với luật đất đai sửa đổi.
Văn Trì – Quỳnh Anh