BVR&MT – Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua đã góp phần giúp khu vực nông thôn phát triển các nhóm sản phẩm hàng hóa đặc thù. Tuy nhiên, đến nay, nhiều sản phẩm của chương trình vẫn chưa được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Ðây cũng là trăn trở của những làng nghề, nghệ nhân và những người làm ra sản phẩm OCOP…
Phong phú sản phẩm
Thúc đẩy phát triển các ngành, nghề gắn với định hướng phát triển kinh tế nông thôn; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, phát triển các sản phẩm chủ lực (theo ba trục: sản phẩm, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn) đã được Nghị định số 52/2018/NÐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” khẳng định. Tính đến nay, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, công nhận 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó 42 sản phẩm đạt 5 sao) với 5.069 chủ thể tham gia (trong đó 38,5% là HTX; 24,4% là doanh nghiệp; 34,1% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác).
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Trong đó, Hà Nội được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về các sản phẩm OCOP.
Năm 2022, thành phố Hà Nội có 518 sản phẩm của 19 chủ thể được phân hạng và cấp chứng nhận đạt từ 3 sao OCOP trở lên. Chương trình OCOP của Hà Nội đã được phát huy rất tốt, mang tính toàn diện, thể hiện qua việc số lượng, chất lượng sản phẩm đều được bảo đảm.
Theo Văn phòng Ðiều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện chương trình, thành phố đã công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP, bằng 22% của cả nước. Trong đó, có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng về các sản phẩm 4 sao của thành phố Hà Nội đã chiếm hơn 62% tổng số các sản phẩm được gắn sao, trong khi cả nước tỷ lệ này chỉ đạt 32%. Các sản phẩm OCOP của Hà Nội không chỉ phát triển ở vùng nông thôn mà ngay tại các quận trung tâm cũng khá phong phú với nhiều mẫu mã, hình thức đẹp, chất lượng cải tiến phù hợp với xu thế người tiêu dùng hiện đại.
Chương trình OCOP đã tạo được động lực phát triển khối kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương và thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm OCOP tại các thôn, xã được phát triển từ thấp đến cao và từng bước hoàn thiện, bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, mẫu mã, được người tiêu dùng đón nhận… Chương trình OCOP ngày càng khẳng định hướng đi đúng đắn của các vùng nông thôn Thủ đô trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, gắn các cơ sở sản xuất với sản phẩm, phát huy những thế mạnh địa phương, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và là thương hiệu riêng của từng huyện, từng xã góp phần quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng, kết nối cung cầu
Sản phẩm OCOP nói chung và các sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề, người sản xuất nói riêng chỉ có giá trị khi đến được tay người tiêu dùng, thông qua giá trị kết nối cung cầu.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại, tổ chức các tuần hàng giúp cho các chủ thể giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì, phong phú về chủng loại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều sự kiện nhằm tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Phát biểu tại Hội thảo “kết nối giao thương các sản phẩm OCOP” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường khẳng định, các sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại có ý nghĩa quan trọng, nhằm tuyên truyền về sản phẩm OCOP để các doanh nghiệp, cá nhân nhận diện, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua đó, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất, cung ứng sản phẩm OCOP bảo đảm tiêu chuẩn, thủ tục của nhà phân phối, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng…
Việc tạo ra các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, các chủ thể OCOP có dịp đề xuất các cấp, các ngành tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp, cơ quan nước ngoài được hoạt động tốt hơn để mở rộng giao thương sản phẩm; xây dựng các khu giới thiệu, trưng bày sản phẩm nhằm kết nối và nhận phản hồi từ người tiêu dùng; mở rộng, tăng cường hợp tác giữa các chủ thể và nhà bán lẻ… Ðể sản phẩm OCOP luôn hoàn thiện, có giá trị cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, các địa phương, tập thể, cá nhân người sản xuất cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Mỗi sản phẩm phải mang bản sắc riêng, đặc sắc về nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, an toàn khi sử dụng.
Trong thời gian tới, OCOP Hà Nội sẽ phát triển gian hàng đầu tiên ra thị trường quốc tế. Việc gắn các sản phẩm OCOP với phát triển du lịch các làng nghề cũng sẽ được đẩy mạnh và phát huy. Thông qua các sự kiện như vậy, sẽ giới thiệu với bạn bè quốc tế, không chỉ những sản phẩm đặc trưng của các địa phương, mà còn đem đến cho du khách cái nhìn sâu hơn về quá trình sản xuất cũng như bối cảnh làm nên thương hiệu sản phẩm đó. Muốn vậy, mỗi sản phẩm OCOP phải là một biểu trưng văn hóa vùng, miền; sản phẩm OCOP trở thành “sứ giả” của văn hóa, ngoại giao, tình hữu nghị giữa các địa phương với nhau, giữa Việt Nam và thế giới để từ đó văn hóa Việt được nâng tầm phát triển cao hơn.
Thực tế hiện nay, các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều hạn chế, phần lớn sản phẩm sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ; chưa có bao bì đạt tiêu chuẩn, thông tin đầy đủ, có truy xuất nguồn gốc, có chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… Chất lượng sản phẩm OCOP hiện chưa được như mong đợi của người tiêu dùng, nhất là những sản phẩm đặc biệt, tinh hoa còn hạn chế.
Ngoài các sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng, nhiều sản phẩm chưa thể hiện trí tuệ, bản sắc địa phương, còn chủ yếu ở dạng thô sơ, chưa mang tính độc đáo, hấp dẫn, khác biệt với những sản phẩm cùng chủng loại… Vì vậy, còn nhiều sản phẩm OCOP chưa có sức cạnh tranh, chưa có giá trị gia tăng cao, chưa tạo ra sự khác biệt và hấp dẫn người sử dụng. Ðây là những hạn chế của các làng nghề ở Hà Nội, của tập thể, cá nhân sản xuất, sáng tạo, cần phải nhanh chóng đổi mới để mang lại giá trị ngày càng cao cho công sức, trí tuệ được thể hiện qua các sản phẩm OCOP.