BVR&MT – Liên tục 2 năm (2020 – 2021) tại khu vực mỏ đá ở huyện Thanh Liêm đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khi khai thác đá làm 4 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp khai thác đá không thực hiện nghiêm các quy định về công tác bảo đảm an toàn cho người lao động, vi phạm các quy định về khai thác mỏ. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần có biện pháp kiên quyết hơn nữa để bảo đảm an toàn cho người lao động tại các mỏ khai thác đá.
Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm này ở khu vực tây Đáy thuộc hai huyện Thanh Liêm và Kim Bảng có gần 70 doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản ở khu vực tây Đáy đã đóng góp tích cực cho ngành vật liệu xây dựng của quốc gia và thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng. Đặc biệt, sau khi UBND tỉnh giao mỏ lâu dài, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền máy móc, nâng cao công suất hoạt động, từng bước hạn chế được tai nạn lao động so với trước đây.
Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, tình trạng tai nạn lao động xảy ra tại khu vực khai thác đá lại có chiều hướng gia tăng làm thương vong nhiều người. Cụ thể, ngày 25/3/2020, tại mỏ đá Thông Đạt, thị trấn Kiện Khê (Thanh Liêm) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng làm anh Lường Văn K., sinh năm 1982 ở Sơn La và anh Nguyễn Quý Ch., ở xã Thanh Hương (Thanh Liêm) thiệt mạng và nhiều người bị thương.
Cũng tại huyện Thanh Liêm, khoảng 13h20′ ngày 18/7/2021, tại mỏ khai thác đá của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Havico, địa chỉ thôn Đồng Ao, xã Thanh Thủy (Thanh Liêm) xảy ra vụ tai nạn lao động làm 5 công nhân gồm các anh: Lường Văn Q. (sinh năm 1992), Lường Văn Th. (sinh năm 1987), Lương Văn Nh. (sinh năm 1978), Lò Văn M. (sinh năm 1979), Lò Văn Th. (sinh năm 1994) đều trú tại huyện Thuận Châu (Sơn La) bị ngã từ trên núi xuống. Hậu quả: Anh Lường Văn Q. và Lường Văn Th. tử vong tại hiện trường, còn lại 3 người bị thương được đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Tai nạn ở các mỏ khai thác đá xảy ra phần lớn do công tác bảo đảm an toàn lao động của các doanh nghiệp còn hạn chế. Nhiều mỏ khai thác đá chưa chú ý tới việc đào tạo công nhân khai thác đá theo quy trình, trong khi đó các phương tiện như máy móc cũ kỹ, lạc hậu, thiết bị khai thác tại các mỏ đá còn thiếu. Hầu hết các mỏ đá trong tỉnh chủ yếu khai thác theo hình thức cắt lớp xiên nên trong quá trình nổ mìn đã làm om các phiến đá gây mất an toàn cho thợ khoan và công nhân làm việc ở chân núi. Hơn nữa, tại nhiều mỏ khai thác đá hiện nay không thực hiện nghiêm các quy định về khai thác mỏ, như: không làm đường lên núi theo thiết kế mỏ; không trang bị đầy đủ dụng cụ, bảo hộ lao động cho công nhân; một số nơi có trang bị bảo hộ nhưng do thói quen nên công nhân không sử dụng; không thực hiện đúng các quy trình về khai thác mỏ.
Tại nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh, số cán bộ có chuyên môn kỹ thuật về khai thác mỏ, địa chất có trình độ trung cấp trở lên chưa nhiều, số công nhân làm việc trực tiếp tại các mỏ đá được đào tạo chính quy tại các trường công nhân nghề mỏ là rất ít, dẫn đến quy trình hoạt động khai thác không bảo đảm.
Ông Trần Tự Lực, Chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê cho biết: Trên địa bàn hiện có 6 mỏ khai thác đá sử dụng nhiều lao động làm việc. Một số mỏ khai thác đá chưa thực hiện nghiêm về công tác bảo đảm an toàn cho người lao động. Gần đây nhất, tháng 3/2020, tại mỏ đá Thông Đạt đã xảy ra tai nạn làm 2 người thiệt mạng. Trước tình trạng này, thị trấn đã tập trung tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn đối với người lao động. Đồng thời, thị trấn đề nghị các cấp có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình khai thác mỏ, kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không chấp hành những quy định về bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho công nhân.
Nhằm hạn chế tai nạn lao động xảy ra tại các mỏ khai thác đá, thời gian qua Sở Công thương đã tăng cường công tác quản lý mỏ, yêu cầu các mỏ thực hiện nghiêm việc xây dựng đường lên núi theo đúng thiết kế mỏ, tăng cường công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp. Ông Lê Nguyên Ngọc, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Đối với những doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc xây dựng đường lên mỏ theo thiết kế của dự án, sẽ không cấp vật liệu nổ. Trong quá trình nổ mìn khai thác đá, yêu cầu các doanh nghiệp phải làm hồ sơ theo đúng quy định, nổ mìn theo đúng khung giờ… Với cách làm này, trong mấy năm qua nhiều mỏ khai thác đá trong tỉnh đã nhanh chóng bổ sung đường lên núi, xây dựng quy trình kỹ thuật khai thác theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu tai nạn.
Để hạn chế tai nạn xảy ra trong quá trình khai thác đá và bảo vệ sức khỏe cho công nhân làm việc trực tiếp ở các mỏ, các cấp, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, rà soát, kiểm tra quá trình khai thác và công tác bảo đảm an toàn cho người lao động. Mỏ đá nào không thực hiện đúng quy định cần kiên quyết xử lý, tránh để xảy ra tai nạn đáng tiếc như tại mỏ đá Thông Đạt và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Havico.